Phan Châu Trinh trước khi sang Pháp
Chu Hảo biên tập
Phan Châu Trinh (9-9-1872 – 24-3-1926) quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh quảng Nam.
Mẹ ông, tên là Lê Thị Chung, mất năm ông mới 6 tuổi. Cha ông, Phan Văn Bình, giữ chức Quản cơ sơn phòng dưới quyền Sơn phòng chánh sứ Trần Văn Dư, rồi năm 1885 tham gia phong trào Nghĩa hội của Quảng Nam do Trần Văn Dư làm hội trưởng, giữ chức Chuyển vận sứ, phụ trách việc quân lương. Phan Châu Trinh, năm đó 13 tuổi, lên núi học võ với cha. Khi Nghĩa hội dần dần gặp bất lợi trước quân Pháp và quân Triều đình Huế do Nguyễn Thân chỉ huy, trong hàng ngũ nghĩa quân bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau, hội trưởng khi đó là Nguyễn Duy Hiệu (thay Trần Văn Dư đã hy sinh) đã ra lệnh hạ sát những người ông coi là “có nhị tâm”. Phan Văn Bình đã bị quân cận vệ của Nguyễn Duy Hiệu giết oan như vậy năm 1887, khi Phan Châu Trinh được 15 tuổi. Trên bia mộ của Phan Văn Bình ở Tây Lộc, cái chết của ông được ghi là “tử nạn”.
Phan Châu Trinh thi đỗ Cử nhân năm 1900 (cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu), đỗ Phó bảng năm 1901 (cùng khoa với Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Huy – tức Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Nguyễn Tất Thành), và ra làm chức quan nhỏ ở bộ Lễ của triều đình Huế năm 1903. Huế khi đó là trung tâm văn hóa và chính trị của cả nước, là nơi có nhiều sách vở tài liệu Tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và của các tác giả châu Âu như Montesquieu, Rousseau, Voltaire được dịch ra tiếng Hán. Phan Châu Trinh lấy hiệu là Hy Mã, không phải nghĩa là Hy Mã Lạp Sơn, mà là Hy vọng ở Mã Chí Nê (Giuseppe Mazzini), nhà cách mạng tư sản nổi tiếng của Ý; chứng tỏ ông đã đọc rộng hơn nhiều. Trong hai năm 1903-1904 ông cùng hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng – hai người đỗ tiến sỹ năm 1904 nhưng không nhận bổ nhiệm – (thường được gọi chung là bộ ba duy tân Quảng Nam) hình thành, triển khai và vận động duy tân ở Quảng Nam. Ông Lê Cơ – người anh em con cô con cậu của Phan Châu Trinh, lý trưởng làng Phú Lâm, tổng Phước Giang, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam – là lý trưởng đầu tiên “thí điểm” duy tân theo tư tưởng của Phan Châu Trinh trong một làng: mở tiệm buôn tạp hóa, tạo “nông đoàn”, “hợp xã”, lập lò rèn, lò chén, xưởng mộc, mở trường dạy chữ quốc ngữ, lịch sử, địa lý, công dân, toán đố, dạy thêm ngoại ngữ tiếng Pháp, tiếng Nhật. Trường học ban đầu mở cho nam giới, rồi cho cả nữ giới, những học sinh nhà nghèo không đủ tiền mua bút mua vở thì được nhà trường mua cho từ nguồn quỹ đóng góp của những người học sinh thuộc diện gia đình khá giả…
Năm 1905, Phan Châu Trinh từ quan, đến tháng 2-1905 bộ ba làm một cuộc Nam du. Qua Bình Định gặp kỳ thi khảo hạch, bộ ba vào trường thi làm bài thơ Chí thành thông thánh (tấm lòng rất thành cảm thông với các vị thánh) và bài phú Lương ngọc danh sơn (đá quý tìm thấy trên những ngọn núi danh tiếng), đều ký tên là Đào Mộng Giác, bộ ba vào trường thi làm bài thơ Chí thành thông thánh (tấm lòng rất thành cảm thông với các vị thánh) và bài phú Lương ngọc danh sơn (đá quý tìm thấy trên những ngọn núi danh tiếng) đả phá hư học, cổ vũ thực học, gây tiếng vang trong trường thi. Đến Cam Ranh, bộ ba ghé xem hạm đội Nga – vừa thua Nhật trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp về lại Quảng Nam, còn Phan Châu Trinh ở lại Phan Thiết, Bình Thuận – nơi tập trung nhiều nho sỹ từ Nam Kỳ, miền đất thuộc Pháp, chạy ra – với lý do “cảm bệnh” từ cuối tháng 2-1905 đến tháng 12-1905, lập Liên Thành thư xã và là diễn giả khai mạc ở làng Phú Tài, có công sứ Garnier, phó công sứ và ba quan tỉnh đến dự. Thư xã giảng về Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và các nhà cách mạng Pháp. Trên cơ sở đó, Liên Thành công ty (nay là Công ty quốc doanh nước mắm Liên Thành) ra mắt năm 1906, trường Dục Thanh mở cửa năm 1907.
Ông định đi tiếp vào Nam Kỳ nhưng không thu xếp được, nên cuối tháng 12-1905 quay về Quảng Nam để ra Bắc, sau khi được tin Phan Bội Châu chuẩn bị đi Nhật. Ra Hà Nội cùng Ông Ích Đường, ông tranh thủ gặp Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành… rồi vào Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế. Từ đó, ông lại lên Lạng Sơn thăm đồn Phồn Xương của ông đề Hoàng Hoa Thám, nhưng không nhận lời đề nghị ở lại giúp của Đề Thám. Theo ông, “đang thời cuộc cạnh tranh này mà nội tình ngoại thế không biết, bo bo một góc, thế nào tồn tại được”. Ông xuống Hải Phòng đi tàu sang Hương Cảng, rồi cuối tháng 2-1906 qua Quảng Đông gặp Phan Bội Châu để cùng sang Nhật vào tháng 3-1906, quan sát phong trào Duy tân của họ. Sau chuyến đi, ông xác định dứt khoát tách khỏi chủ trương vũ trang bạo động và lợi dụng quân chủ để đánh Pháp của Phan Bội Châu (gồm 3 điểm chính: 1/ liên kết dư đảng Cần Vương để bạo động; 2/ tìm một hoàng thân tôn làm minh chủ để tập hợp lực lượng – và cuối cùng tìm được Cường Để, cháu đích tôn của hoàng tử Cảnh; 3/ tìm cách xuất dương cầu ngoại viện) cũng như việc cầu viện Nhật Bản: “Bất bạo động, bạo động tắc tử. Bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu.” Về lại Hà Nội tháng 6-1906, ông gặp gỡ bàn bạc với Lương Văn Can ý định thành lập trường học kiểu mới, giống mô hình của trường Khánh Ứng nghĩa thục ở Nhật, làm quen với một số người Pháp, trong đó có Ernest Babut, chủ nhiệm tờ L’Annam-Đại Việt tân báo, một tờ báo bán công viết bằng chữ Hán và được phân phối theo đường công văn tới tận các huyện, các tổng. Trở về Quảng Nam tháng 9-1906, ông khẳng định dứt khoát đường lối duy tân, “dựa Pháp đánh đổ quân chủ, cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền” bằng việc viết bức Thư gửi chính phủ Pháp (Đầu Pháp chính phủ thư – 投法國政府書) gửi cho toàn quyền Beau, giao cho hai người tin cậy là cử nhân Mai Dị và tú tài Phan Khôi đem ra Hà Nội đưa cho nhà báo Ernest Babut. Bức thư được ông Huber dịch ra tiếng Pháp và được đăng vào tập san của Trường Viễn Đông bác cổ số VII (tháng 1 đến tháng 6-1907). Nó được coi như bản tuyên ngôn, công khai hóa phong trào duy tân.
Tiếp đó, bộ ba Quảng Nam bắt đầu đi khắp Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động duy tân với khẩu hiệu “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” nhằm khai hóa dân tộc, giáo dục ý thức công dân. Các cơ sở kết hợp trường học, hội buôn và các tổ chức kinh tế như trồng vườn quế, phát triển dâu tằm ươm tơ dệt lụa… được lập ra ở nhiều nơi. Mô hình thí điểm của Lê Cơ ở làng Phú Lâm được nhân rộng, nhiều nơi, kể cả từ phía Bắc, cũng vào tham quan học hỏi.
Phan Châu Trinh lại ra Hà Nội để cùng Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục vào tháng 3-1907. Ông tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục cùng với những giáo viên dạy Hán văn (Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí…), Việt văn và Pháp văn (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học…) và các môn học sử ký, địa lý nước nhà, toán, hội họa, kiến thức khoa học… Ông đi diễn thuyết ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Kỳ, tiếp cận và tranh thủ sự đồng tình về quan điểm duy tân của Hoàng Cao Khải, Bạch Thái Bưởi… Ông còn thay Đào Nguyên Phổ làm chủ bút tờ L’Annam-Đại Việt tân báo.
Song song với cuộc vận động duy tân của bộ ba Quảng Nam – mà sau đổi thành Minh Tân cuộc để tránh húy kị khi vua Duy Tân lên ngôi, đồng thời thể hiện tính chất công khai, hợp pháp – là các hoạt động theo xu hướng thiết huyết của Phan Bội Châu với vai trò minh chủ, hội chủ của Cường Để, cổ động Đông du, tuyển chọn thanh niên du học ở Nhật Bản nhằm mục đích vũ trang đánh Pháp, cũng lấy tên Duy Tân hội (đến năm 1912 thì giải tán, đồng thời thành lập hội mới lấy tên là Việt Nam quang phục hội). Phan Châu Trinh ủng hộ chủ trương Đông du, thậm chí còn vận động tiền bạc gửi sang, nhưng vẫn cố thuyết phục Phan Bội Châu đừng vận động vũ trang khởi nghĩa.
Đến năm 1908 bùng nổ cuộc Trung Kỳ dân biến. Khởi đầu, nhân câu chuyện trong một ngày giỗ tộc, mấy ông hương chức ở Đại Lộc rủ nhau kéo đi “xin sưu xin thuế”, tức là xin giảm nhẹ các loại sưu thuế. Càng đi, người nhập vào đi cùng càng đông, và bắt đầu biến dần sang bạo lực. Một viên chánh tổng ở Duy Xuyên đã bị buộc đá dìm chết, quan phủ Điện Bàn bị bắt trói và người biểu tình tràn vào thành Quảng Nam… Chính quyền Pháp nhân đó đàn áp tất cả các phong trào, bất kể theo xu hướng nào.
Dù khi đó bộ ba Quảng Nam không hề dính líu vào cuộc Trung Kỳ dân biến, cả ba vẫn bị bắt và kết án:
- Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội bị bắt ngày 31-3-1908 và bị giải về Huế để Triều đình Huế xét xử, theo thông lệ với các bậc đại khoa. Khâm sứ Trung Kỳ muốn ép triều đình Huế xử ông tội chết theo luật Gia Long, không phải theo luật của Pháp như trường hợp xử ngay tại Hà Nội, nhưng ngày 10-4-1908, Phủ phụ chính (giúp vua Duy Tân, bấy giờ mới 7 tuổi, trị vì, gồm Miên Lịch – con vua Minh Mạng, Trương Như Cương – thượng thư Bộ Lại, Lê Trinh – thượng thư Bộ Lễ, Huỳnh Côn – thượng thư Bộ Hộ, Tôn Thất Hân – thượng thư Bộ Hình, Cao Xuân Dục – thượng thư Bộ Học, Nguyễn Hữu Bài – thượng thư Bộ Công, Vương Duy Trinh – thượng thư Bộ Binh) đã vận dụng điều 224 về “mưu loạn vị hành”, kết án Phan Châu Trinh “là thủ phạm chính của một âm mưu phản nghịch nhưng chưa thực hiện” vào tội “xử giảo giam hậu”, sẽ “bị đày đi Lao Bảo và bị cấm cố chung thân, không được hưởng ân xá như đối với các tội nhân khác trong các lễ lớn” (“ngộ xá bất nguyên”).
Ngày 11-4-1908 Khâm sứ Lévecque bác bản án đó, yêu cầu phải áp dụng điều 223 về “mưu phản đại nghịch” vì theo Khâm sứ, Phan Châu Trinh đã phạm hai tội: tội phản quốc vì kêu gọi Nhật Bản giúp, tội làm loạn vì kích động dân chúng chống lại quyền lực của nhà vua và nhà nước bảo hộ. Thượng thư Bộ Lễ (Lê Trinh) yêu cầu chú ý là “cho đến nay những người biểu tình chưa hề sử dụng vũ khí”, thượng thư Bộ Học (Cao Xuân Dục) thì tuyên bố “điều 224 không nêu phải trảm quyết”.
Ngày 12-4-1908 Phủ phụ chính trả lời bằng bản án thứ hai, có đoạn “Ngoại trừ Phan Bội Châu sẽ bị kết án khi bắt được và áp dụng các điều khoản của luật trên”, còn với Phan Châu Trinh thì vẫn chỉ kết án “trảm giam hậu”. Khâm sứ Huế chỉ còn cách kiến nghị Quan toàn quyền ở Hà Nội đưa Phan Châu Trinh ra Côn Đảo, vì “việc giam giữ phạm nhân rất năng động và rất khôn ngoan này ở Lao Bảo là hoàn toàn không bảo đảm”. Ngày xưa việc thi hành án tử hình luôn được thực hiện trước lúc mặt trời mọc. Hôm đó, Phan Châu Trinh được đưa ra khỏi nhà giam lúc mờ sáng, nhưng thấy không dẫn ra cửa Bắc, phía có cầu Chém, mà lại đưa về cửa Nam, ông hỏi thì được trả lời: “Đi Côn Đảo!”
- Trần Quý Cáp – cũng là bậc đại khoa – đang làm giáo thụ phủ Ninh Hòa ở Khánh Hòa bị bắt ngày 17-4-1908 trong lúc Nha Trang chưa hề có hoạt động đấu tranh gì, và lãnh án “trảm quyết” không xét xử (“mạc tu hữu”) ngày 17-5-1908, dù lẽ ra phải cho giải ông về Huế giao cho Triều đình Huế. Trần Quý Cáp bị chém ngang lưng tại Khánh Hòa, nhưng được đưa về mai táng ở Quảng Nam. Khi đưa ngang Bồng Sơn, bạn đồng học của ông là Nguyễn Đình Hiến, bấy giờ làm tri phủ Hoài Nhơn, thiết án bên đò Bồng Sơn làm lễ.
- Huỳnh Thúc Kháng đang ở Quảng Nam lo việc của hội duy tân bị bắt ngay cuối tháng 2-1908 tại Hội An, bị giam đến tận tháng 5-1908 mới bị kết án đày đi Côn Đảo như Phan Châu Trinh, và cũng “ngộ xá bất nguyên”.
Nhờ hoạt động tích cực của Liên minh nhân quyền Pháp tại Hà Nội, đặc biệt là của luật sư Ernest Babut, Phan Châu Trinh được đưa về Sài Gòn để có mặt trong cuộc họp xem xét lại bản án của ông vào ngày 24 và 25-6-1910. Cuộc họp kết luận bằng đề nghị “nên áp dụng biện pháp khoan hồng” với ông. Đến ngày 7-7-1910 Toàn quyền Đông Dương tuyên bố ân xá cho ông nhưng “vì những lý do trật tự công cộng”, ông không nên về Trung Kỳ mà nên ở Nam Kỳ, tại tỉnh Mỹ Tho, có thể bảo gia đình chuyển vào. Đến ngày 4-10-1910 Toàn quyền cho Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật đi Pháp. Họ lên tàu ngày 1-4-1911 cùng chuyến với Toàn quyền Klobukowski. Công sứ Mỹ Tho Couzineau về nghỉ phép cùng chuyến “nhận trách niệm coi ngó Phan Châu Trinh” trong chuyến đi ấy.
TƯ LIỆU THAM KHẢO:
- Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới – tập 1 của Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), NXB Đà Nẵng, 2001.
- Tuyển tập Phan Châu Trinh của Nguyễn Văn Dương biên soạn, NXB Văn hóa thông tin, 2006.
- Phan Châu Trinh, Wikipedia tiếng Việt, https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Ch%C3%A2u_Trinh
- Chuyển vận sứ Phan Văn Bình, trang web Đồng hương Tiên Phước, https://donghuongtienphuoc.com/que-huong/chuy%E1%BB%83n-v%E1%BA%ADn-s%E1%BB%A9-phan-v%C4%83n-b%C3%ACnh