Phan Văn Bình

Phan Văn Bình (? – 1887) quê ở làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, sau đổi thành huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân là học trò thi trường ba (tú tài), rồi nhập ngũ, giữ chức Quản cơ sơn phòng dưới quyền Sơn phòng chánh sứ Trần Văn Dư. Phan Văn Bình tham gia Nghĩa hội Quảng Nam từ khi mới thành lập năm 1885 tại Sơn phòng Quảng Nam ở Dương Yên. Ông giữ chức Chuyển vận sứ, chuyên lo vận chuyển vũ khí, quân nhu, lương thực cho các lực lượng nghĩa quân trong địa bàn hoạt động ở tỉnh Quảng Nam.

Tháng 12-1885, Hội trưởng Trần Văn Dư hy sinh, Hội trưởng mới là Nguyễn Duy Hiệu. Sau những thắng lợi bước đầu của nghĩa quân, nhất là sau trận Nam Chơn tập kích đơn vị công binh chịu trách nhiệm thi công con đường Huế-Đà Nẵng do đại úy Besson chỉ huy (ngày 28-2 đến 1-3-1886), quân Pháp quyết tâm tiêu diệt nghĩa quân bằng nhiều cách: kết hợp sức mạnh quân sự với chính sách dụ dỗ, ly gián, đẩy lực lượng nổi dậy vào thế cùng. Là người “đa nghi và hiếu sát”, Nguyễn Duy Hiệu ra lệnh hạ sát dần những người ông nghi có “nhị tâm”. Phan Văn Bình bị giết năm 1887 sau những thất bại của Nghĩa hội tại các trận ở Nà Lầu, Suối Đá (tháng 4-1887). Gia đình dùng chữ “tử nạn” ghi trên bia mộ ông tại Tây Lộc.

TƯ LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chuyển vận sứ Phan Văn Bình, trang web Đồng hương Tiên Phước, https://donghuongtienphuoc.com/que-huong/chuy%E1%BB%83n-v%E1%BA%ADn-s%E1%BB%A9-phan-v%C4%83n-b%C3%ACnh 
  2. Người bị Nghĩa hội Quảng Nam nghi “có nhị tâm”, trang web Báo Đà Nẵng, https://baodanang.vn/channel/5433/202201/nguoi-bi-nghia-hoi-quang-nam-nghi-co-nhi-tam-3900547/9