Bài tựa

Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử

Huỳnh Thúc Kháng

Làm một người chí sĩ đã khó, mà làm một chí sĩ một nước đã mất rồi, lại càng khó hơn. Chí sĩ nước mất rồi đã khó, mà chí sĩ nước đã mất rồi như nước Việt Nam ta trong khoảng đầu thế kỷ 20 này lại càng khó hơn. Trên thì một nước văn minh cường thịnh nhất trong thế giới, thi cái chính sách bảo hộ khôn khéo chặt chịa, ra thần vào quỉ, đè đầu chặn cổ. Trong khi đám quan đảng chiếm cả thế lực trong nước, gốc chắc rễ bền, thành cao ao sâu, ôm chặt cái chánh thể chuyên chế mấy mươi đời, cậy cái pháp luật độc ác đó để ngậm độc hại người, giữa thì bọn Hán học mục xương, bọn u Học đầu lưỡi, cũkhông thành cũ, mới chẳng ra mới, dơ gác vênh sừng, chia nhà cắt ngõ, chống chọi nhau mà không sao hiệp lại làm một được. Dưới thì mười mấy triệu dân ngu, đã đui điếc câm què, mà lại ốm đau đói rách, sống say chết ngủ, ngơ ngáo lao nhao, chỉ cúi tai gài trốt, nhắm mắt theo càn.

Một người chí sĩ có lòng yêu nước mà ở trong hoàn cảnh như thế, khác nào bị vây giữa trận giặc, đầy đất chông gai, tứ bề tên đạn, sức mình đã không chống nổi, mà cũng không trông mong vào đâu là người tới cứu mình; trừ một cách thoát thân ra vòng ngoài làm sách, làm báo để kêu van tĩnh thức người trong nước như ông Sào Nam đã làm đó, hầu như không còn mó tay vào chỗ nào được!

Thế mà cùi cụi, một mình xông pha trăm ngã, gây thù chuốc oán, ngậm đắng nuốt cay, càng ngã xuống, càng đứng lên, càng bị thua, càng hăng hái, trước sau ôm một chủ nghĩa, lăn mình vào cái cảnh khổ đã nói trên, mà tìm một con đường rộng cùng ông Sào Nam chia đường đưa tới, để cắm nêu chỉ lối cho người sau.

Ấy, dầu như đỡm thức không đủ, nhiệt thành không tới nơi làm sao lui mà địch với xã hội, lại tới mà dẫn đàng cho xã hội, mà làm một đấng tiên thời nhân vật ít ỏi như thế.

Tuy là công vẫn chưa thành, chí vẫn chưa thỏa, còn đợi có người sau tiếp theo, vả lại cả nước xem như kẻ cừu, trọn đời chìm trong bể khổ, mà nhờ cái chân lí là trận chiến thắng cuối cùng, đến lúc cái quan mà công luận lại càng rõ rệt, tin buồn truyền khắp nơi, đồng bào sa nước mắt: dầu cho những kẻ bình nhật, muốn đâm, muốn giết, muốn làm cho đầy đọa, cực khổ để hả lòng giận riêng của mình, trông thấy cảm tình quốc dân đối với một người chí sĩ, sùng bái hinh hương không thể nào ngăn được cũng phải động vía mà rùng mình, không biết tại cớ gì vậy!

Than ôi! Không phải hào kiệt mà được thế ru! thì Phan Tây Hồ tiên sinh ta, chính là một người như thế.

Vậy tóm cả sự tích một đời tiên sinh, chia mấy thời kì làm một quyển sử, trước hiển bạch tâm sự một người đại chí sĩ, sau cũng để làm gương cho người sau; ấy cũng là nghĩa vụ một người học giả đối với quốc dân mà lại phải gắng vậy.

Thạnh Bình, ngày 20-6-1926
Minh viên Huỳnh Thúc Kháng.