Phan Bá Phiến

Phan Bá Phiến (1839 – 21-9-1887) quê ở làng Tân Lộc, huyện Hà Đông, nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ông sớm mồ côi cha mẹ, nhà nghèo, nhưng hiếu học. Ông đỗ Cử nhân năm 1858, được bổ làm Tri huyện Phù Cát, Bình Định. Phan Bá Phiến tham gia Nghĩa hội Quảng Nam từ khi mới thành lập năm 1885. Ông là cánh tay phải Nguyễn Duy Hiệu, Hội trưởng thứ hai của Nghĩa hội, giữ chức Án sát sứ, quản việc sổ sách ghi tên tuổi hội viên và những người giúp tiền bạc, lúa gạo cho Nghĩa hội.
Tháng 2 năm 1886, căn cứ của Nghĩa hội tại thung lũng Trung Lộc, Quế Sơn – được Hội trưởng Nguyễn Duy Hiệu đặt tên là Tân tỉnh Trung Lộc – bị quân Pháp và quân Triều đình Huế phối hợp tấn công. Tại trận kịch chiến ở Gò May, nghĩa quân đại bại, bản doanh bị đốt cháy, san bằng. Thấy không thể cầm cự được nữa, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến liền ra lệnh đánh vượt vòng vây chạy về một làng ở gần cửa biển An Hòa thuộc Tam Kỳ.
Tướng Nguyễn Thân liền xua quân theo càn quét rất ngặt. Lại thất trận ở căn cứ Phước Sơn (thuộc Tiên Phước), tuy Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến chạy thoát được nhưng thế và lực thật sự đã cùng. Không thể để nghĩa quân toàn ba tỉnh bị giết hại hết, Nguyễn Duy Hiệu quyết định giải tán Nghĩa hội, tự nộp mình cho quân Triều đình và nhận hết tội “cam tâm làm giặc” về phần mình. Để yên tâm về việc bảo toàn lực lượng, ông yêu cầu Phan Bá Phiến, người nắm giữ thông tin về nhân sự của Nghĩa hội, chết trước. Phan Bá Phiến nhận lời. Ngày 21-9-1887 đó, ông bày hương án, mặc phẩm phục Án sát sứ, đốt tất cả sổ sách trước mặt Nguyễn Duy Hiệu và đồng sự, rồi lạy vĩnh quyết và uống thuốc độc tự tận.

TƯ LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887) của Ban chấp hành đảng bộ thị xã Hội An, NXB Đà Nẵng, 1997.
  2. Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam của Nguyễn Sinh Duy, NXB Đà Nẵng, 1998.
  3. Phan Bá Phiến, Wikipedia tiếng Việt, https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_B%C3%A1_Phi%E1%BA%BFn