Toàn quyền gửi Bộ trưởng thuộc địa về Phan Châu Trinh

Sài Gòn ngày 19 tháng 03 năm 1909.

Phúc điện số 69 ngày 28 tháng 2 năm 1909 và tiếp theo các điện trả lời của tôi số 134, 135, 140, 161 và 163 các ngày 4, 5, 7, 17 và 18 tháng 03, trong bì này tôi gởi ngài báo cáo của Khâm sứ Trung Kì trong đó được trình bày rõ tình hình trước, trong và sau vụ bắt tên Phan Châu Trinh, nguyên là quan chức của triều đình Huế và hiện nay giam ở Côn Đảo sau khi được Phủ Phụ Chánh xử án theo quyền hạn của mình.

Tôi thấy không cần bình luận gì thêm báo cáo của ông Groleau. Tuy nhiên, tôi không giấu Ngài là tôi đã thấy rõ giá trị không thể phủ nhận được của Phan Châu Trinh, tôi có ý định sắp tới có thể là trong tháng 7 tới, trong dịp đi thăm các nơi lưu đày ở Nam Kuf tôi sẽ gặp tên An Nam này và hỏi chuyện hắn ta.

Lúc đó, tôi sẽ xem xét khả năng có thể lôi cuốn vào chính sách rộng rãi mà Ngài đã hướng dẫn những con người mặc dù trong quá khứ có phạm sai lầm nhưng có thể trở nên những trợ thủ có ích cho hành động chúng ta vì họ thông minh năng động. Chỉ cần họ chân thành tin tưởng và có thái độ hoàn toàn trung thực trong hành động.

Đó là một chuyển hướng tốt cần xem xét và thay vì cứ cố chấp hoài nghi tất cả những người trước đây chúng ta coi là địch thủ. Theo tôi ta sẽ chứng minh rõ ràng là chúng ta có quan điểm rộng rãi và như vậy chúng ta có thể được sự hợp tác của rất nhiều năng lực.

Ký tên Klobukowski.