Trần Văn Dư
Trần Văn Dư (31-12-1839 – 13-12-1885) quê ở làng An Mỹ Tây, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ Tú tài năm 1858, đỗ Cử nhân ân khoa năm 1868. Sau khi đỗ Cử nhân, ông được cử làm Sơ khảo trường thi Bình Định. Năm 1873, ông được bổ vào chức Hàn lâm viện điển tịch, lãnh Biên tu, sung vào Hành tẩu cơ mật viện. Năm 1875 ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, cùng khoa với Hoàng giáp Phạm Như Xương, người cùng tỉnh. Do đỗ đại khoa, ông được bổ chức Hàn lâm viện tu soạn. Năm 1876, ông được cử làm Tri phủ Ninh Giang.
Năm 1879, ông được điều động ông làm Tri phủ Quảng Oai (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Ở đây, ông bí mật liên lạc với các sĩ phu yêu nước, hợp tác với lực lượng của Hoàng Kế Viêm cùng mưu việc đánh Pháp.
Năm 1880, ông được triệu về Huế làm Hàn lâm viện Thị độc, sung chức Giảng tập tại Dục Đức đường, rồi lại được sung làm Tán Thiện Chánh Mông đường (tức lo việc dạy học cho Dục Đức và Đồng Khánh khi hai ông này chưa lên ngôi).
Năm 1883, ông được cử làm Án sát sứ tỉnh Hà Tĩnh, rồi lại đổi làm Hồng lô Tự khanh Biện lý bộ Lại, sung chức Tham biện Thương bạc sự vụ.
Cuối năm 1884, ông được cử giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam. Ông đã dâng sớ lên xin Triều đình (vua Hàm Nghi) “cho tu sửa Sơn phòng Quảng Nam ở xã Dương Hòa, phủ Thăng Bình, tăng thêm việc hoàn tụ, chứa muối, gạo cho nhiều, để cho thế lực Tả kỳ được mạnh lên”. Cùng thời gian đó, Phan Đình Phùng làm Tham biện sơn phòng Hà Tĩnh là vùng Hữu trực kỳ, Nguyễn Quang Bích cai quản thành Hưng Hóa ở Bắc kỳ.
Tháng 7-1885, sau khi cùng Hàm Nghi rời Hoàng thành, Tôn Thất Thuyết thừa lệnh vua thảo Dụ cần vương gửi đi khắp nước. Để đối phó, quân Pháp và những kẻ cơ hội trong Triều đình Huế gấp rút đưa Đồng Khánh lên ngôi, vô hiệu hóa danh nghĩa Cần vương của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết. Các sỹ phu quyết định “nhạt màu Cần vương mà cao danh xướng nghĩa”, do đó các Nghĩa hội, Nghĩa đảng, Nghĩa đoàn lần lượt ra đời. Trần Văn Dư là Hội trưởng Nghĩa hội Quảng Nam.
Những trận đầu, nghĩa quân đánh thành tỉnh La Qua của Quảng Nam, từ đó làm chủ thành tỉnh Quảng Nam. Nhưng chưa đầy một tháng, quân Pháp và quân Triều đình Huế do Nguyễn Thân – đã từng tham gia Nghĩa hội Quảng Ngãi, rồi chọn theo vua Đồng Khánh – chỉ huy đã tái chiếm được thành. Quân Nghĩa hội rút về căn cứ sơn phòng Dương Yên. Vốn là thầy học của vua Đồng Khánh, Trần Văn Dư quyết định giao quyền Hội trưởng cho Nguyễn Duy Hiệu, còn mình ra Huế gặp Đồng Khánh nhằm tìm một giải pháp. Trên đường ra Huế, ông vào thành tỉnh nói chuyện với quyền Tuần sử phú Châu Đình Kế, người từng theo Tôn Thất Thuyết hộ giá Hàm Nghi. Nhưng Châu Đình Kế đã làm tay sai cho Pháp, xem Trần Văn Dư như tướng giặc, nên báo với viên chỉ huy quân đội Pháp đang có mặt trong thành về một “đầu đảng của giặc, vô cùng lợi hại, nguy hiểm”. Viên chỉ huy Pháp, theo quân luật thời chiến, bắn chết ngay Trần Văn Dư ở góc thành.
TƯ LIỆU THAM KHẢO:
- Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam của Nguyễn Sinh Duy, NXB Đà Nẵng, 1998.
- Trần Văn Dư, Wikipedia tiếng Việt, https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_D%C6%B0