Đôi nét về danh nhân văn hóa Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898)

Nguyễn Văn Tố

(Nguyên Ngọc dịch từ tiếng Pháp)

Trong cuộc đời đẹp đẽ của mình, Pétrus Ký, mà sắp tới Nam Kỳ sẽ kỷ niệm một trăm năm sinh [1], đã triển khai một hoạt động to lớn, đã chạm đến nhiều lĩnh vực và đã dồn sức trong nhiều công trình đến mức cần cả một cuốn sách để có thể ghi lại một cách chi tiết sự nghiệp bác học và ngôn ngữ học của ông. Chúng tôi không định viết được cuốn sách đó. Vả chăng, những người có thể phán xét một cách tốt nhất sự nghiệp được nhà bác học Nam Kỳ hoàn tất đã lên tiếng, họ đã ngợi khen nhà trí thức-nhà ngoại giao (của chúng ta) đúng như ông thật xứng đáng [2], họ đã dõi theo từ những những báo hiệu đầu tiên tài năng xuất chúng của ông cho đến cuộc đi ra Huế của ông, qua tất cả các giai đoạn trong cuộc đời ông; một cuộc đời, dù luôn kiên trì theo một hướng nỗ lực nhất quán, vẫn có nhiều bất ngờ và đa dạng hơn là thường thấy ở những nhà nho và những nhà trí thức An Nam. Họ đã chỉ rõ sau những sự kiện nào mà chính ở Trung Kỳ đã hoàn tất cuộc phát triển của trí tuệ vừa mềm dẽo vừa tráng kiện ấy, vốn đã được khởi đầu ở Poulo Pinang, tại Chủng viện của hội Truyền giáo Hải ngoại, như thế nào mà chính ở Huế trí tuệ bác học của ông, thoạt tiên đến từ những nguồn cội bên ngoài, đã chín muồi và đơm hoa kết quả đẹp đẽ nhất. Song họ đã không xác định được tính chất và sự độc đáo của những công trình đã tạo nên danh tiếng của Pétrus Ký và đã đem lại cho ông vinh dự, suốt tuổi già của ông, được coi là người đứng đầu được kính trọng của trường phái An Nam, vừa là những nhà nho tinh túy vừa là những nhà bác học thâm hậu, chiếm giữ một vị trí to lớn đến thế trong giới nghiên cứu Đông Dương. Những công trình đó, chúng tôi không kê ra hết ở đây. Để có danh mục chỉ cần tham khảo Bản tổng kê các công trình do P. J. B. Trương Vĩnh Ký công bố và xuất bản dùng cho các trường ở Nam Kỳ (Saigon, Guilland và Martinon, 1884, 4 tr.), Các bản thảo của P.J. B. Trương Vĩnh Ký chưa xuất bản (Chợ Quán, 1896, 6tr. Tự thuật), và Danh mục do Jean Bouchot lập ở cuối công trình nghiên cứu của ông về Pétrus Ký, danh mục này dài không dưới 10 trang [3]. Khi đọc danh mục này, nó khiến ta bối rối, gần như làm cho ta hoảng sợ bởi số lượng và sự đa dạng của nó. Trong số những bản sách nhỏ đôi khi rất ngắn, trong số những công trình ít nhiều được mở rộng mà tiêu đề được nhắc đến trong danh mục nguyên cảo, có những cuốn nói về ngôn ngữ và văn học An Nam, về các ngôn ngữ Ấn Độ và Đông Dương, về các nhà kinh điển Trung Hoa. Những cuốn liên quan đến văn học dân gian không hiếm; nhưng trong toàn bộ danh mục rộng lớn này đấy chỉ là những ngoại lệ cho thấy đầu óc của nhà bác học tò mò biết bao, tri thức ông lĩnh hội đã được trang bị mạnh mẽ biết bao để có thể, ngoài lĩnh vực riêng của mình, còn đi tìm đến những vùng đất cận kề, những điểm đối chiếu và những thông tin bổ sung.

Ngoài điều đó ra, toàn bộ những nghiên cứu Pétrus Ký đeo đuổi từ thuở trai trẻ ban đầu cho đến những ngày cuối cùng của ông đều nhằm vào một đối tượng duy nhất, là nền văn học của nước An Nam xưa, mà một phần đã bị biến mất, nhưng mỗi một mảnh nhỏ còn lại đều đáng được nâng niu sưu tập gìn giữ.  Những mảnh nhỏ, khi được một bàn tay khéo léo ghép lại cùng nhau và diễn giải, có thể cho hé thấy, như trong một ánh chớp thoáng qua, đôi nét của những vẻ đẹp đã bị mất. Tất cả những nghiên cứu ấy đều hướng về một mục đích chung, nhưng để đạt đến mục đích đó, đã lại tùy lúc đi theo những con đường khác nhau. Pétrus Ký đã nghiên cứu nền văn học đó dưới tất cả các mặt của nó, trong kỹ thuật ngữ pháp và vần điệu của nó cũng như trong những cảm xúc và tư tưởng nó chuyển tải. Ông đã nghiên cứu nó đôi khi như một nhà sử học, hiểu thấu đến tận cùng tiến trình của các sự kiện, đặc điểm của các phong tục và cơ chế của các thiết chế, cố gắng đặt những con người và những tác phẩm trở lại đúng bối cảnh nơi chúng đã được sinh ra, cũng lại như một người biết thưởng thức một cách tinh tế vẻ đẹp của thơ Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu, của Trần Hi Tăng và Đặng Huỳnh Trung (Đặng Huy Trứ).

Chính là với tư cách người xuất bản các văn bản mà Pétrus Ký đã bắt đầu dành được danh tiếng nhà nho. Trong quá trình học chữ nho và chữ nôm của mình, ông chỉ quan tâm không nhiều đến các phương pháp và tính chất táo bạo của lối phê bình ngôn từ, theo cách trình bày lúc bấy giờ của các nhà bác học trong các nghiên cứu Hy Lạp: những phương pháp của họ đã để lại dấu vết trong tâm trí ông. Năm này qua năm khác, càng chăm chú đọc các văn bản bằng chữ nôm, ông nhận ra lợi ích do một lối phê bình sáng suốt có thể đem lại cho các tác giả, mà văn bản (của họ) lấy ra từ các bản thảo còn hàm chứa nhiều bài học (trước đó) chẳng cho thấy ý nghĩa nào hoặc chỉ biểu hiện một ý nghĩa không thỏa mãn được người đọc. Từ đó ông thấy ham thích thử sức trong công việc tu chỉnh và hoàn thiện (các văn bản này); nhưng điều khiến ông quyết định dồn hết sức lực vào công việc này, là khi ông khởi công xuất bản tác phẩm Kim Văn Kiều của Nguyễn Du bằng chữ nôm. Không phủ nhận giá trị của tư liệu đối chiếu với bản viết tay này, ông nghĩ vẫn còn có thể làm thêm một số điều gì đó khác, để khôi phục toàn vẹn văn bản mà khi thiết lập các bản chép tay, hiếm hoi và kém cỏi, khó có thể đảm bảo.

Pétrus Ký vẫn luôn ngưỡng mộ Nguyễn Du. Ông hăng hái bắt tay vào việc và, năm 1875, đã xuất bản ở Nhà in của Nhà nước tác phẩm thơ Kim Văn Kiều, có kèm theo Kim Văn Kiều phú, Thúy Kiều thi tập, cùng Kim Văn Kiều tập án của Nguyễn Văn Thắng,  tham hiệp ở Thanh Hóa [4]. Lần xuất bản Kiều của Nguyễn Du này có thể coi là một công trình tuổi trẻ, điều đó cắt nghĩa những mặt mạnh và những khiếm khuyết của nó. Khi bắt đầu những công việc của một người làm xuất bản, dù không tự thú nhận với chính mình, Pétrus Ký còn chịu ảnh hưởng của một số nhà Hy Lạp học châu Âu. Ông vẫn còn một lòng tin không hạn chế vào quyền được trao cho mọi đầu óc chính trực và sâu sắc có thể sửa chữa lại những bài học của các bản thảo, cả khi chúng đã đồng ý được đưa ra đúng như thế, sửa chữa những bài học ấy mỗi khi thấy chúng sai trái và không hợp khẩu vị. Cái lối coi thường các bản thảo ấy, về sau ông đã có sự nhìn nhận lại, khi ông đã từng trải một quá trình thực hành lâu dài với các văn bản.

Tuy nhiên cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca (Sài Gòn, Nhà in của Nhà nước, 1875) mà Pétrus Ký xuất bản cùng năm đã là một tác phẩm phê bình văn bản khá tốt. Đương nhiên về nhiều điểm kết quả chỉ có thể có tính chất giả thiết. Nhưng các giả thuyết của Pétrus không phải là vô bằng: chúng căn cứ trên những nghiên cứu rất tỉ mỉ và rất chăm chú đối với văn bản, trên sự phân tích và quan hệ giữa các sự kiện, trên cung điệu nhịp nhàng của các đoạn khúc. Tác giả không lạm dụng tiêu chí sau cùng này, mà bằng kết quả đạt được, chỉ ra giải pháp có thể rút tỉa được từ đấy, khi ta không áp đặt cho văn bản một hệ thống định trước, mà chỉ quan sát cấu trúc một cách minh tường.

Từ năm 1881 đến 1898, Pétrus Ký cho xuất bản, phần lớn trong khổ 15×21 môt tủ sách có chú giải nhiều bài thơ khác, mà sau đây là các tác phẩm chính: Trần Hy Tăng, Gia huấn ca, giáo dục gia đình, Một người cha dạy con, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1883, 44 tr. (kèm theo Ca dạy con trai nhỏ bảy tám tuổi, của Lê Văn Hớn); Nử tắc, Bổn phận con gái và đàn bà, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, 27 tr.; Đặng Huinh Trung, Huấn nữ ca, Thói xấu và tính tốt của con gái và đàn bà, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, 36 tr.; Thơ mẹ dạy con, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, 12 tr.;  Thơ dạy làm dâu, Sài Gòn, Guilland và Martinon,1882, 13 tr.; Học trò khó phú, một nhà nho nghèo, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1883, 6 tr., tr. 3 có đầu đề phụ; Học tró khó phú, trào Lê, tỉnh Hà Nội, học trò Giám, tên là Nguyễn Thế Lan làm); Bài hịch con quạ, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1883, 7 tr.; Thạnh suy bỉ thời phú, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1883, 7 tr.; Trương Lương tùng xích tòng tử du phú, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1881, 7 tr.; Trương Lương lưu hầu phú, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, 17 tr.; Ngô Nhân Tịnh, Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, 11tr.; Hai Đức (Tập Phước) Kim Gia Định phong cảnh vịnh, Sài Gòn Guilland và Martinon, 1882, 11tr.; Ngư tiều trường điệu, Sài Gòn, Nhà in của Hội Truyền giáo, 1885, 8 tr.; Lục súc tranh công, của J.B.P. Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, Nhà in của Hội Truyền giáo, 1887, 22 tr.; Phan Trần truyện, Sài Gòn, A. Bock, 1889, 45 tr.; Nguyễn Đình Chiểu, Lục Văn Tiên truyện, Sài Gòn, A. Bock, 1889, xuất bản lần thứ tư, có xem lại và bổ sung các chú giải và lịch sử, Sài Gòn, Claudé, 1897, 120 tr.; Văn tế nha phiến…, (trong Cờ bạc nha phiến, Sài Gòn, Nhà in của Hội Truyền giáo, 1885).

Chính trong những bài thơ này Pétrus đã chứng tỏ rõ ràng hơn cả tầm mức một người xuất bản các văn bản của ông, ở đây ông biết thực hiện một cách tốt nhất việc kết hợp sự tôn trọng mà các bản thảo cần được quyền với tính sáng tạo của người làm công việc hiệu đính, với sự định đoán cần có khi bản thảo chỉ trưng ra một ý nghĩa không hiểu được. Trong tất cả những thành quả ông đã đưa ra thuộc thể loại này, đấy là cống hiến mà ông thỏa mãn hơn cả. 

Như có thể thấy qua những tên tác phẩm vừa được kể lại, điểm nổi bật của Pétrus Ký với tư cách một người làm xuất bản, đó là quyết định ông đã chọn, và ông kiên định với quyết định ấy, mạnh dạn nhắm vào các nhà văn lớn. Ở đấy ông chứng tỏ tất cả các phẩm chất mà ta có quyền đòi hỏi ở tác giả của một công cuộc xuất bản lần thứ nhất. Ông đạt đến đỉnh cao trong thuật đăng kèm phụ lục và phát biểu những dự đoán. Ông có thể hài lòng với thành công này đến mức không theo đuổi tham vọng khác nữa; nhưng ông tin rằng, và điều này là có lý, ông có thể phục vụ lợi ích của việc học tập của chúng ta bằng cách giúp những người quyết đi theo con đường đó hiểu tốt hơn và biết thưởng thức hơn các tác phẩm Nữ tắc, Gia huấn ca, Phan Trần, hay Lục Văn Tiên. Đảm nhận vai trò này có phải ông đã sử dụng tốt nhất những năng lực phê bình và sự thông tuệ của mình hơn là, như một tác giả khác mà chúng tôi cũng có thể kể tên, đi dịch những cuốn tiểu thuyết Trung Quốc cổ mà đôi cuốn trong số đó đã có thể lặng lẽ ngủ quên trong bóng tối của các thư viện chúng ta?

Không nên quên rằng Pétrus Ký là một trong những nhà thông thái hiếm hoi đồng thời là người có được đào tạo (cơ bản). Nếu ông đã muốn thấu hiểu tất cả những bí ẩn của ngữ pháp An Nam và của ngôn ngữ An Nam và Hán Việt, nếu ông đã khó nhọc căm cụi trên các bản thảo, nếu ông đã đi sâu vào những bí quyết của vận luật, ấy không phải vì cái thú vui hão huyền được ngưỡng mộ vì cái kỳ tài phô bày trong những khoa học khó khăn này. Mà là để hiến cho chúng ta, trong vẻ trong sáng trọn vẹn của nó, văn bản của các tác giả lớn mà ông say mê yêu mến, là để, như chúng tôi vừa nói, cho chúng ta biết thưởng thức chúng tốt hơn, để chúng ta hiểu hơn các nhà thơ An Nam đã tìm được trong sự đa dạng của vần điệu và đôi khi phối hợp cả âm nhạc nữa, những phương tiện tác động đến các tâm hồn, lay động được trí tưởng tượng. Nếu ông đã nghiên cứu, tường tận đến từng chi tiết nhỏ nhất kỹ thuật của các tác phẩm tuyệt đẹp ấy, là để chúng trở nên dễ hiểu với chúng ta hơn và khiến chúng gần gủi với chúng ta hơn, bất chấp sự khác biệt về thời gian và tập quán. Nếu ông đã là một giáo sư ngoại hạng, ấy là vì ông đã làm cho những người học trò của ông thấy được trong các tác giả An Nam những người đầu tiên biết cách vận dụng suy nghĩ trong phân tích các hiện tượng đạo đức và xã hội, rồi trình bày một cách có phương pháp những tư tưởng được gợi lên từ những cảnh tượng thế gian. Trong một số nhà thơ, ông chỉ ra những người chuyển tải cảm động và trung thành những tình cảm giản dị nhất và sâu sắc nhất của tâm hồn con người, những tình cảm tạo nên nền tảng của tâm hồn và sẽ còn sống mãi bất chấp mọi thay đổi chế độ. Đối với Pétrus Ký, văn học cổ An Nam mãi mãi còn là một người thầy mà chúng ta còn nhận ra được nhiều bài học, một người thầy của tư duy tự do và trong lành, của tình cảm chân chất và thẳng thắn.

Chúng tôi không đủ tư cách để xác định vị trí của Pétrus Ký trong lịch sử nghiên cứu Đông Dương. Là đại diện của một truyền thống vốn thu hẹp nghiên cứu tiếng An Nam văn học vào việc học chữ Hán, ông đã quá đủ sáng suốt để không thể không chịu ấn tượng về những phương cách của một lĩnh vực đang không ngừng phát triển; ông hiểu tầm quan trọng của những nghiên cứu mà vả chăng chính ông không hề xa lạ. Vả lại các tuyển tập truyện dân gian của ông (Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, Sài Gòn, Guilland và Martinon, Bản in nhà nước, 1866, in-8°, 74 tr.; lần xuất bản thứ hai, 1873, 66 tr.; lần xuất bản thứ tư, A. Block, 1888, 66 tr. v.v.; Chuyện khôi hài, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, in-8°, 16 tr.) có cái đặc sắc là chân thành, và đọc có thể tin: đây đúng là truyện dân gian lấy từ ngọn nguồn trong trẻo nhất, người sưu tập đã để lại dấu vết của mình ít nhất có thể. Nhưng vẫn phải lựa chọn, bởi vì, qua những chuyến đi của ông khắp các miền của An Nam, Pétrus Ký còn được nghe kể nhiều chuyện ngụ ngôn mà ông không thấy cần xuất bản. Do sức hấp dẫn kép ấy, các tuyển tập của Pétrus Ký đáng được sự chú tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quan tâm đến các truyện kể về súc vật và truyện Tiếu lâm mà nhiều người coi là tiêu biểu cho tinh thần An Nam.

Nếu nhà bác học Nam Kỳ chủ yếu là một người xuất bản các văn bản, do vậy tin tưởng sâu sắc ở tầm quan trọng của việc cung cấp cho các nhà nghiên cứu những tư liệu, thì lợi ích có thể rút ra từ đấy để đi sâu hơn nữa vào thế giới tâm tình Hán Việt, để thấu hiểu hơn thế giới ấy về tất cả các phương diện, lịch sử, xã hội, đạo đức, không thoát khỏi sự chú ý của ông; ông biết lợi ích của những chất liệu ông trao cho công chúng, vì không có thời gian, thường ông chỉ kịp soi sáng bằng một bình luận ngắn gọn, hoặc bằng những lời tựa bao giờ cũng sáng rõ và viết một cách mẫn tiệp [5], song đôi khi lại kích thích tò mò hơn là gây thỏa mãn hoàn toàn. Nhưng sẽ là bất công và không đúng nếu ngỡ rằng ông không biết đến nghệ thuật xây dựng tác phẩm. Ngòi bút nhà nho tinh tế của ông từng vẽ nên những nét tế nhị và thanh đạm của cuộc sống An Nam cổ xưa trong những gì là cuốn hút nhất của nó (x. Phép lịch sự An Nam, Les Convenances et les civilités annamites của ông, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, 52 tr. Bằng tiếng Pháp).

Những tiểu luận ông cho xuất bản từ năm 1882 đến 1885 dưới tiêu đề Bất cượng, chớ cượng làm chi, (Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, in-8°, 8 tr.), Kiếp phong trần (Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1885, lần xuất bản thứ ba, in-8°, 10 tr.) Cờ bạc nha phiến, bằng tiếng thường và văn thơ (Sài Gòn. Nhà in của Hội Truyền giáo, 1885, in-8°, 82 tr.) v.v. đặc biệt hấp dẫn và đọc rất thích. Tác giả thuộc số những người tin rằng triết học không nên là độc quyền của các nhà thông thái và các chuyên gia, nó cần tác động một cách sống động đến thời hiện tại, vậy nên triết học không nên tự nhốt mình trong tháp ngà, cũng không được tự cô lập mình trong những nghiên cứu tối nghĩa không với tới được đối với người thường, mà nó có bổn phận giúp cho con người trong thời của mình có ý thức về chính mình, tìm được con đường đi của mình ở đời.

Quả vậy, ở Pétrus Ký điều này toát ra từ tất cả các tác phẩm của ông, lao động bác học không phải chỉ là một trò chơi đơn giản của trí óc và không dừng lại ở việc giải quyết khó khăn này hay khó khăn khác chỉ vì niềm vui đã vượt qua được nó: lao động đó có những đích ngắm cao hơn: nó hòa kết với  nhu cầu bảo vệ những chân lý không được đánh giá đúng, uốn nắn lại những lầm lỗi phạm phải vì hời hợt hay ngu dốt, đặt lại trên con đường đúng đắn những kẻ lạc đường hay những người tự phụ. Những ưu tư đạo đức tác động trong ông cùng lúc với niềm đam mê của nghiên cứu hay óc tò mò. Vậy nên ông cống hiến hết mình cho những gì ông làm. Nhưng trong bộ óc được tổ chức rất tốt ấy mọi sự đều được sắp xếp trật tự, và mọi việc đều được thúc đẩy với cùng một lòng hăng say. Xu hướng nhân văn dồi dào toát ra từ các nghiên cứu Hán học của ông khiến ông gần gũi với đồng bào của mình, trong khi một số nhà nho lại thích xa lánh họ để sống trong một tình trạng cô lập khinh khỉnh. Ông có một nhu cầu bẩm sinh kết hợp những người khác với tư tưởng của mình, muốn tranh luận và thuyết phục; ông thích nhắc lại lời Trung dung mà ông đã xuất bản một bản dịch sang tiếng An Nam năm 1889 [6]: “Bất khả tu du ly giả; khả ly, phi đạo giả” (“Không thể xa rời đạo lý, dù chỉ khoảnh khắc; nếu ta có thể xa rời nó, thì đấy không còn là đạo lý nữa”; Trung dung, trong Tứ thư, bản dịch của Couvreur, Ho kien fu, nhà in của Hội Truyền giáo, 1895, tr. 28). “Lòng tin đạo đức không nằm ngoài con người; nó ở trong chính con người. Một bai thơ cổ nói rằng kẻ dùng một chiếc rìu để tiện nên cán rìu thì chẳng cần hình mẫu của cán rìu ở đâu xa, vì anh ta đã có nó trong tay mình rồi [7]. Cái hình mẫu mà ta phải thuận theo để hành xử đúng đắn thì lại càng gần ta hơn. Theo tư tưởng Trung Hoa, bản chất của con người vốn là thiện; do ảnh hưởng của các dục vọng mà hư hỏng đi, nhưng ta luôn có thể tìm thấy trong chính mình hình mẫu lý tưởng; vậy nên bậc hiền nhân không  ngừng phấn đấu để tự nhận thức ra chính mình, và khi đã đạt được đến điều ấy, thì sẽ nhận ra bổn phận của mình một cách sáng rõ. Socrate, sinh mười năm sau Khổng Tử, cũng coi việc tự nhận thức chính mình là nền tảng của đạo đức, và tư tưởng của Platon đồng nhất với khái niệm về sự tương hợp của con người với bản chất của nó (thành, tch’eng) mà đạo Khổng coi là cứu cánh (Ed.Chavannes, Về một số tư tưởng đạo đức Trung Hoa, trong Tạp chí Á châu thuộc Pháp, tháng tư-tháng sáu 1917).

Cũng thuộc hệ thống nghiên cứu này, có thể kể Tam tự kinh (phiên âm và dịch thành văn xuôi và thơ tiếng An Nam, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 47 tr.) và Minh tâm bửu giám (bảng chữ Hán, dịch và chú thích bằng tiếng An Nam, Sài Gòn, Rey, Curiol và Cty, 2 tập, in- 8°, 135 và 143 tr.) mà Pétrus Ký xuất bản trong các năm 1891-1893,  với một bản dịch tiếng An Nam.  Xuất bản và dịch thuật đều nổi bật tính trung thực khoa học cao vốn là đặc điểm của ông và in đậm vẻ nhân từ vui tươi khiến cả những vấn đề ngữ pháp cũng dễ chịu, và đương nhiên không loại trừ cả sự đa dạng về tri thức lẫn sự vững chắc của các phán xét. Ở đây chúng tôi không muốn làm một công việc phê bình hồi cố, cũng không định làm một phân tích chi tiết: những công trình quan trọng nhất từ lâu đã quá quen thuộc với tất cả những người học chữ nho, và nếu đôi chi tiết đã cũ, thì cái căn bản vẫn còn vững chắc nguyên vẹn.

Nghiên cứu các ngôn ngữ kinh điển đưa Pétrus Ký đến những tìm tòi tinh tế hơn. Với đầu óc giàu tính phê phán và ham tìm tòi, ông luôn muốn đi đến tận cùng của sự vật; do vậy, trong nghiên cứu các ngôn ngữ, đương nhiên ông quan tâm nhiều đến vấn đề nguồn gốc và sức hấp dẫn của các từ; như vậy ông đã đi vào con đường của ngữ văn học so sánh. J. Thomson, một nhà du hành người Anh, trong sách Mười năm du hành ở Trung Quốc và Đông Dương (bản dịch của A. Talandier và H. Wattemaire, Paris, Hachette, 1877, tr. 140) viết: “Ngài Pétrus Ký … đã học ở trường trung học thiên chúa giáo La Mã tại Pénang, và tôi sẽ không bao giờ quên sự kinh ngạc của mình khi tôi được giới thiệu với ông. Ông nói với tôi bằng một thứ tiếng Anh rất tốt, có hơi pha chút giọng Pháp, và bằng tiếng Pháp không kém tinh khiết và sang trọng. Ông thông thạo tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Ý cũng như các ngôn ngữ phương Đông; vị trí cao ông đảm nhiệm chính là do từ tri thức kỳ lạ ấy của ông. Một hôm đến thăm ông, tôi thấy ông viết công trình Phân tích so sánh các ngôn  ngữ chính của thế giới, công trình đã chiếm của ông mười năm lao động. Ông có quanh mình một sưu tập các sách hiếm và quý mà ông đã tìm được, một phần ở châu Âu, một phần ở châu Á. Buổi tối có thêm một nhà truyền giáo từ Chợ Lớn đến, và khi tôi ra đi thì họ tiếp tục thảo luận với nhau một số điểm về thần học bằng tiếng la-tinh. Pétrus Ký đã viết nhiều công trình, trong đó có một cuốn ngữ pháp tiếng An Nam có phần lời tựa trình bày những sự thân thuộc giữa các chữ viết cổ nhất theo lối biểu tượng với vần chữ cái An Nam hiện đại (tức chữ quốc ngữ)”.

Ông đã sáng suốt chỉ dừng lại ở việc mô tả và tránh mọi giải thích có tính chất lịch sử: ông nói, ngữ pháp mô tả và ngữ pháp lịch sử là hai điều khác nhau và không nên trộn lẫn vào nhau: nhưng qua nội dung trình bày của ông ta nhận ra nhà bác học tinh thông và am hiểu các vấn đề về ngôn ngữ học [8] và rất sáng suốt trong những ý tưởng tổng quát (x. các sách của ông Văn phạm tiếng An Nam giản lược, Sài Gòn, Nhà in Hoàng gia, 1867, in- 8°, 131 tr.; Văn phạm tiếng An Nam, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1882, in- 8°, 118 tr., v.v.).

Ông nói, tiếng An Nam có quá nhiều từ gốc Hán. Ngay ở những tác phẩm xưa nhất, nó đã có vẻ quá xa với ngôn ngữ nguyên gốc, đã quá khác thường (original) rồi, và nhất là quá cô lập, để ngữ pháp so sánh của nó không phải bao giờ cũng giữ được một tính chất không chắc chắn thật đặc biệt; ở đấy có quá nhiều quy luật dựa trên một số ít ví dụ đôi khi không đủ tin cậy để cho (ngữ pháp của) nó không bao giờ mất đi tính chất là “phác thảo”. Nhưng Pétrus Ký không chỉ cho chúng ta những chỉ dẫn sáng suốt, ngắn gọn và rõ ràng trong một vấn đề khó khăn và mơ hồ, ông đã viết những cuốn sách độc đáo. Ông không so sánh các chữ với các chữ, thậm chí cũng không cả các âm với các âm, hay các từ với các từ, ông đã đem đối lập một ngôn ngữ này với một ngôn ngữ khác, nghĩa là một hệ thống được xác định một cách chuẩn xác ở một thời điểm được chọn với một hệ thống cũng được chọn dừng lại đúng như vậy, ở cùng một thời điểm được chọn, về mặt tâm lý cũng như về mặt sinh học (organique), trong ba lĩnh vực ngữ âm học, hình thái học và cú pháp học. Mỗi ngôn ngữ, với cách sử dụng đặc trưng mà nó rút lấy từ các phương cách của hoạt động ngôn ngữ, đều liên quan toàn vẹn trong khi xem xét đến những điểm chi tiết nhất. Sự độc đáo của các sách ngữ pháp của Pétrus Ký còn ở chỗ với việc sử dụng tinh thông đến thế những nhận xét tổng quát và một quan niệm rộng lớn đến thế đối với từng vấn đề nhỏ nhất, văn phong của ông vẫn chuẩn xác một cách hết sức chặt chẽ, hình thức diễn đạt vắn gọn và đầy tính khoa học. Không chút gì được đưa thêm vào cho các từ, không chạm chút gì đến văn học dưới bất cứ hình thức nào: ta chỉ thấy hiện lên các sự kiện với tính chất và các mối quan hệ của chúng. Bởi chẳng cần gì nhiều hơn cho Pétrus Ký, người luôn giữ một phương cách mang tính phân tích chặt chẽ và so sánh, luôn tìm tới đúng cái tổng quát bên dưới cái riêng biệt bằng một tri thức ngày càng rộng lớn và chắc chắn, nhưng không bao giờ sa vào chung chung.

Ông nói đại ý, một số nhà ngôn ngữ học đối lập những hình thức mà họ coi là nguyên thủy với những hình thức họ xem là tương đối mới đây: cái sai là ở chỗ ngôn ngữ của các dân tộc kém văn minh được coi là có thể cho ta một hình dung về những ngôn ngữ nguyên thủy đó lại đúng là những ngôn ngữ mới được biết trong những thời kỳ hoàn toàn hiện đại; nhưng do không ai biết quá khứ của chúng ra sao, đương nhiên không thể nói rằng chúng đã không phải trải qua những loạt biến đổi rất dài: có lẽ nên cẩn thận dành mọi kết luận có thể rút ra từ các ngôn ngữ đó cho đến ngày, bằng một so sánh chăm chú, có thể hé thấy đôi chút gì đó về sự phát triển của chúng xưa kia. Pétrus Ký còn nói thêm, các nhà ngôn ngữ học ấy lập ra những phân loại tổng quát, phải được áp dụng cho mọi ngôn ngữ, chẳng hạn quy luật về các câu tán thán, tuyên ngôn hay nghi vấn. Nếu muốn xuất phát từ những phân biệt ấy để nghiên cứu cú pháp, chắc chắn cuối cùng ta sẽ đi đến những kết quả cũng đáng buồn chẳng khác gì đi theo lối phân loại cơ sở trên lô gích: điều quan trọng cần xác định khi nghiên cứu ngữ pháp của một ngôn ngữ hay một nhóm ngôn ngữ là các phương thức mà các ngôn ngữ ấy trình ra trong thực tế; mà các phương thức ấy thì không chịu để cho ta phân loại chúng một cách dễ dàng. Không được quên rằng các sự kiện ngôn ngữ phải được giải thích bằng các sự kiện ngôn ngữ khác; tâm lý học chỉ cung cấp cho nhà ngôn ngữ học một cách thức để hình dung về các sự vật, cũng gần giống như những dòng đối lưu và những rung động của ê te cung cấp cho nhà vật lý cách thức để hình dung về các hiện tượng điện; điều quan trọng là các phương cách hình dung các sự kiện càng không quá xa thực tế đến mức có thể, nhưng một thay đổi về phương diện này không hề làm biến đổi khoa học.[9]

Ta nhận ra điều này khi đọc các giáo trình dạy chữ Hán của Pétrus Ky (Giáo trình thực hành chữ Hán, Sài Gòn, Trường thông ngôn, 1875, bản viết tay, v.v.); Tam tự kinh giải âm, Sài Gòn, Rey và Curiol, 1887, in-8°, 71 tr.; Sơ học vấn tân, Sài Gòn, Guilland và Marion, 1881, in-8°, 36 tr.; Huấn mông khúc ca,  Sài Gòn, Nhà in của Hội truyền giáo, 1884, in-8°, 47 tr., v.v.) và nhất là Mẹo luật dạy tiếng Pha-lang-sa, Sài Gòn, Bản in nhà nước, 1869, in-8°, 55 tr.; nt. Paris, Challamel, 1872, in-8°, 56 tr.; Thầy trò về luật-mẹo léo-lắt tiếng Phalangsa, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1883, in-8°, 23 tr.). Các sự kiện được trưng ra không có giải thích, hoặc với giải thích tối thiểu, và như thế là để cho sự trưng bày chung giữ nguyên tính chất chuẩn xác của lối trình bày thuần túy giáo điều. Nhưng với cách phân bổ chủ đề, với sự sáng rõ của các công thức, với sự chuẩn xác của các giải thích, hay nói đúng hơn các gợi dẫn về từ nguyên, ta nhận ra một vị thầy đầy kinh nghiệm dạy tiếng Pháp và hoàn toàn làm chủ đề tài của mình. Một số thầy giáo Pháp, về phần họ, lại ít muốn giữ tiết độ hơn trong việc giải thích về mặt lịch sử, nhưng lẽ ra họ không được quên rằng ngữ pháp ở đây là viết cho người nước ngoài và những người đó không phải là những người phán xét về mức độ ngữ pháp lịch sử có thể được đưa vào trong việc thực hành dạy tiếng Pháp khi đó là dạy cho người An Nam. Ngược lại cần thấy là phát âm thường bị các thầy giáo và học sinh Đông Dương coi nhẹ, họ xem các ngôn ngữ nước ngoài là ngôn ngữ viết chứ không phải ngôn ngữ nói. Cách chữa tốt nhất sai lầm này là buộc các thầy giáo phải được học kỹ lưỡng sinh lý học về các âm và dạy cho học trò những khái niệm rõ ràng hơn về ngữ âm học và những mối quan hệ của các âm với các chữ biểu hiện chúng đúng ít hay nhiều.[10] Dẫu sao, chúng ta đã có một cuốn “Ngữ pháp tiếng Pháp” thật tốt, theo tất cả các nghĩa của tính từ này. Theo chúng tôi, phần về cú pháp thật sự là mới mẻ và độc đáo, dù cũng còn có chỗ có thể chính lý đôi chút và một số bổ sung. Trước hết quả không hề là một công trạng nhỏ khi biết cách nói về những điều cốt yếu nhất chỉ trong không gian năm mươi trang, với lối in thoáng đạt, rõ ràng, và các chi tiết về ấn loát nói chung được chọn lọc rất tốt. Và, trên hết, trong những trang ấy là một lối phân tích các câu tiếng Pháp rất chặt chẽ, các nhóm lập thành câu, và lối sắp xếp của các nhóm ấy. Ta thấy rõ – chỉ nói riêng cách dùng một hệ thuật ngữ chặt chẽ và nói chung dễ được chấp nhận – Pétrus Ký đã suy nghĩ rất chín về đề tài của mình; ta cũng nhận ra rằng ông đã theo dõi rất sát những thảo luận tinh tế đang diễn ra ở Pháp. Ông đã tận dụng khá nhiều công trình  Ngữ pháp của Larive và Fleury, nhưng là một cách hoàn toàn độc lập, cô đọng vấn đề với một sự chuẩn xác đúng phương pháp, ngang bằng, nếu không vượt qua các tác giả nước ngoài. Phần lớn các tác giả này mắc một lỗi nặng, là rút ra từ các tác giả thế kỷ XVII các ví dụ mà họ viện dẫn: thành ra họ dạy cho độc giả biết hai trăm năm trước người ta viết tiếng Pháp như thế nào, chứ không phải ngày nay người ta nói tiếng Pháp ra sao. Trong khi, trước hết cần đem đến cho học sinh ý nghĩa và hiểu biết chính xác về ngôn ngữ hôm nay. Chúng ta không phủ nhận giá trị nghiêm túc có thể có và quả thực có của một số sách ngữ pháp ấy, nhưng một lần nữa, ta chê trách chúng đã làm sai lạc thực tế do quá ít chú ý đến cách sử dụng hiện tại, quá nghiêng về phía xưa cũ trong việc chọn các ví dụ. Không phải bao giờ cũng dễ tìm được một chỗ xuất phát đúng giữa hai phía, để quyết định xem từ ngữ nào, lối nói nào là không còn trong tiếng Pháp sinh ngữ: phải theo dõi một cách chăm chú, phải có sự mẫn tiệp rất sắc sảo; sự mẫn tiệp đó, Pétrus ký có, ông đã thực thi nó bằng các ghi chép của ông trong thời gian lưu lại ở Pháp năm 1803, quan sát xem trung bình những người Pháp có học nói như thế nào. Đấy là phương pháp tốt, về cơ bản, là phương pháp duy nhất, và là phương pháp Vaugelas đã sử dụng ba trăm năm trước. Nhưng Pétrus Ký không che dấu rằng đây là chuyện không dễ chắc chân. Quả vậy, ở đây có một vấn đề: trong các công trình của ông, ông tìm cách phân tích lối sử dụng nào? Lối sử dụng (tiếng Pháp) nói hay viết? Ông đã có phần nghiêng ngã, lúc gần về bên này, lúc về bên kia, và không thể lên án ông về điều đó, bởi vì, ở đây nữa, điểm xuất phát cũng đặc biệt tế nhị.

Như vậy, chính trong việc dạy tiếng Pháp, và đặc biệt dạy chữ quốc ngữ mà Pétrus Ký đã cống hiến hoạt động, các đức tính của người thầy giáo và sự tận tụy của ông. Bởi ông thích thú và có khiếu dạy học; ông không hề là một nhà bác học bàn giấy; ông còn có tình yêu lớp trẻ và nhu cầu muốn hướng dẫn họ. Sách viết cho  các trường sơ học, hay Những khái niệm đơn giản về khoa học cho học trò nhỏ các trường của Chính phủ Hạ Nam Kỳ (tập 1, viết bằng tiếng An Nam: 1°Sách học vần quốc ngữ; 2° Lịch sử An Nam; 3°Lịch sử Trung quốc; Sài Gòn, Nhà in Nhà nước, 1876-1877, in-8°, 364 tr.) mở đầu bằng những  dòng vắn gọn: “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Để đem lại điều hay và tiến bộ. Vậy nên phải tìm mọi phương cách để phổ biến lối chữ viết này, và không nên quá bắt chước Hội Truyền giáo mà nhà in, tôi dám nói là đã không mệt mỏi, mỗi ngày cung cấp những sản phẩm mới.” (x. thêm Chữ cái quốc ngữ gồm 12 bảng với các bài tập đọc, của P.J. B. Trương Vĩnh Ký, in lần thứ 4, có xem lại và sửa chữa, Sài Gòn, Rey và Curion, 1887, khổ 0,185×0,250, 22tr.; Bảng chữ cái tiếng Pháp, Phép đánh vần tiếng Phangsa, Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1885, in-8°, Thông thoại quá trình, hay bài tập đọc bổ ích cho học trò các trường sơ học, làng và tổng (1-2, tháng năm 1888- tháng tư 1889 [11], Sài Gòn, Rey và.Curiol, in-8°, tập, từ 11 đến 16 tr.). Những xuất bản phẩm này được toàn bộ học giới Nam Kỳ nhiệt liệt đón nhận đúng như nó thật xứng đáng. Trong tờ Học báo họ đều thống nhất nêu bật bức tranh vừa rộng lớn nhất vừa khách quan nhất về lịch sử An Nam và lịch sử Trung Quốc. Ta thán phục Pétrus Ký đã biết bao kiên trì và nỗ lực lao động để tập họp các tư liệu tản mát, biết bao ý chí còn phải lớn hơn và hiếm có hơn để thấu hiểu các giai đoạn khác nhau  của lịch sử quốc gia. Đương nhiên, ta có thể có ý kiến khác ông về chi tiết này hay chi tiết khác; có thể không đồng tình đối với một số phát biểu đặc biệt nào đó, có thể có giải thích một cách khác về một số sự kiện, nhấn mạnh hơn một số nhận định, có thể nhận ra trong mớ khổng lồ các sự kiện và thời điểm (được nói đến) một số sai lầm, một số trích dẫn không đúng, một vấn đề nào đó mà tác giả còn chưa giải quyết triệt để. Nhưng những điều đó không hề làm giảm giá trị, cũng như lợi ích không thể chối cãi của công trình. Cần nói rằng tác giả đứng trước một mảnh đất hoang: ông không chỉ nhận ra nó, mà thật sự đã khai phá nó.

Cũng có thể nói đúng như vậy về cuốn Tiểu từ điển Pháp-An Nam của ông (Sài Gòn, Nhà in của Hội Truyền giáo, 1884, in-8°, 1192 tr.; nt., tái bản có chân dung tác giả, có 1250 hình minh họa lấy từ Tiểu từ điển Larousse có minh họa, Sài Gòn, F. H. Schneider, 1911) và về cuốn Từ vựng An Nam-Pháp của ông (Các từ thông dụng, danh từ kỹ thuật, khoa học và từ ngữ hành chánh, Sài Gòn, Rey va Curiol, 1887, in-8°, 191 tr.).[12] Đúng là, để bắt đầu, cần công nhận, thường khó mà làm tốt hơn. Phương pháp phân loại không chê vào đâu được, xử lý tư liệu hoàn hảo, rất dễ cho người tra cứu, tất cả tạo thành một từ vựng gồm các danh mục làm rạng danh sáng kiến của nhà bác học đã thu thập chúng, cũng như nhiệt huyết sáng suốt của nhà cầm quyền đã tài trợ cho công trình. Và càng đáng khâm phục hơn khi ta nghĩ rằng, để đáp ứng các đòi hỏi dạy học của ông, Pétrus Ký, đến năm quá bốn mươi tuổi, còn chú tâm đổi mới học vấn về ngôn ngữ học của mình, ngày trước đã đạt được với biết bao khó nhọc, luôn theo sát các tiến bộ không ngừng của ngôn ngữ học so sánh, đọc tất cả những gì liên quan đến tiếng Trung Quốc và các ngôn ngữ Đông Dương và tự tạo cho mình một quan niệm hợp lý về những vấn đề đa dạng đến thế, mà đầu óc tinh anh của ông đã sắp xếp chỉnh chu và sáng rõ.

Tuy nhiên sẽ là bất công nếu không đánh giá đúng giá trị lớn của các công trình khác của ông, vì cho rằng chúng lọt ra ngoài lĩnh vực quen thuộc của ông, và chỗ này chỗ khác có một số điểm chưa được vững chắc hay đưa ra một số lý thuyết có phần mạo hiểm! Dù các nghiên cứu về nông nghiệp và công nghiệp và một số sách khác của ông có thể có vài chỗ chưa ổn (x. bức thư của ông về kiến đỏ và kiến đen, trong Tập san của Ủy ban nông nghiệp và công nghiệp Nam Kỳ, t 1, số 4, 1866, tr. 51-52; Thư về cây tre và cây mây ở Nam Kỳ, nt, bộ 2, t. I, số 2, 1873, tr. 106-109; Ghi chú về các loài thuyền khác nhau của An Nam, nt, bộ 2, t. I, số 4, 1875, tr. 222-226); Hạt và gỗ để nhuộm, nt., tr. 227-228; Thư ngày 30 tháng 5 1876 về rau câu, nt.t.1, số 5, 1876, 271-272), điều khiến chúng vẫn còn giá trị và có thể sẽ còn lâu là tính chất tuyệt đối trung thực của việc ông làm. Không bao giờ che dấu khó khăn, không bao giờ dùng lời khôn khéo để che đi sự bất lực hay tư duy nghèo nàn, không bao giờ bỏ qua những văn bản có thể gây khó chịu hay xin xỏ, như ở những tác giả khác. Ngược lại Pétrus Ký nêu bật những sự kiện có thể chống lại các hệ thống của ông. Những khiếm khuyết trong thông tin của ông, ông thường trưng rõ chúng ra, như khi ông viết Giáo trình lịch sử An Nam mà chúng tôi sẽ nói đến sau đây (t. 1, tr. 71) [13]: “Dù các Biên niên chỉ là một lối kể theo thời gian, không có nhận định tổng quát cũng không nói gì về triết lý của lịch sử, thì từ toàn bộ các sự kiện mà chúng tôi đã kể ra một cách liên tục, có thể kết luận rằng An Nam vào thời ấy (thế kỷ XIII) đã đạt đến một sức mạnh quân sự nhất định”.

Từ khi (Pháp) chiếm Nam Kỳ, mọi sách lịch sử được xuất bản về xứ An Nam đều căn cứ trên Gia Định thông chí và những công trình kém giá trị hơn. Đã đến lúc học thức uyên bác của Nam Kỳ thay thế các sách cũ ấy, một mặt loại bỏ tất cả mớ tạp nham giả-thông tin mượn từ các văn bản Trung Quốc, mặt khác dành một vị trí xứng đáng cho những cứ liệu thật chính xác và thật nhiều do các biên niên An Nam cung cấp. Nhiệm vụ thật khó khăn, bởi người ta không thể cùng một lúc, ở cùng mức độ, vừa là nhà Hán học, vừa là nhà văn khắc học và nhà luật học. Pétrus Ký đã lao vào công việc này một cách dũng cảm và có thể nói, nhìn chung, ông đã hoàn thành một cách đặc sắc. Cuốn Giáo trình lịch sử An Nam của ông trước hết có ưu điểm lớn là được cấu trúc và viết rất tốt. Quả là văn phong không có được sự dễ dàng đáng yêu của các tác giả Pháp, nhưng lại chững chạc và có một khung sườn vững chắc hơn. Ảnh hưởng của Victor Duruy có thể nhận ra khắp chỗ, cả trong nội dung lẫn hình thức; cả trong việc chọn các chủ đề mà Pétrus Ký triển khai một cách thích thú nhất. Bởi – và đây là một nét đặc biệt của cuốn Lịch sử An Nam này – phần giai thoại, chuyện vui hay nêu gương được hạn chế và cố ý hy sinh; ngược lại, có những chương dài và đặc sắc, đặc biệt chuyên dựa trên các tư liệu văn khắc và pháp lý liên quan đến các cuộc chiến tranh với Trung Quốc và Champa, với việc chuyển các các nước Chàm và Cămbốt thành đô thành An Nam, v.v. Toàn  bộ bức tranh Đông Dương, từ các thiết chế của nó, thực trạng kinh tế và xã hội của nó, được vẽ ra bằng một bàn tay bậc thầy và sẽ còn  là hình mẫu nơi các nhà sưu tập sẽ đến tìm nguồn.  Ở đây Pétrus Ký đứng trên một thực dịa đối với ông đã quen thuộc từ lâu và là nơi thẩm quyền cá nhân của ông cho phép ông tận dụng các văn bản và các tư liệu Trung Quốc mà không phải hy sinh sự độc lập phán xét của mình.

Nhờ những tư liệu ấy, cả những tư liệu khác nữa, mà những người đi trước ông đã không biết đến [14], Pétrus Ký đã đem lại cho hành vi của các nhân vật của ông một diện mạo mới và làm nổi bật cái phần ưu trội nhất mà một vị vua này hay vị quan khác đã giữ trong nền cai trị vương quốc, sự khôn khéo của họ để vượt qua những hiểm nguy đáng sợ, tài mềm dẻo, đức nghị lực rắn rỏi phi thường của họ. Hãy đọc lại, chẳng hạn, trong Giáo trình lịch sử của ông, chương dành cho cuộc chiến tranh của Lê Lợi:

Nước Đại Việt, như ta đều biết, dưới thời Trần Quý Khoáng (1413) đã đánh mất những gì còn lại của nền độc lập được gìn giữ từ thời Lý (544). Từ những đại gia đình thống trị xứ sở và cai trị Nhà nước, chỉ còn lại một đám đông vô danh những nông dân, thợ thủ công, những người làm ruộng, mang nặng số phận đau khổ của mình dưới ách nô lệ và áp bức của Trung Quốc. Tuy nhiên, một đôi người, những người làm văn học hay chỉ đơn giản là những người yêu nước, chú tâm không chỉ dành giật nhân dân khỏi cái chết – công việc dường như hão huyền – mà cố làm dịu bớt và nâng cao phẩm giá cho cuộc lâm chung của họ, bằng cách đem đến cho họ một ngôn ngữ và một nền văn học, để mở ra cho họ kho tàng của những ý tưởng mới. Ngoài sự mong đợi của chính mình, những con người đó trở thành “người đánh thức” quốc gia; tiếp sau các nhà thơ là các sử gia, trả lại cho dân tộc Đại Việt các phẩm giá của mình, và từ  cảm xúc còn mơ hồ của những “người đánh thức” đầu tiên khai tỏa lên ý thức An Nam thuần túy; sự liên kết của tầng lớp trí thức tinh hoa với các đám đông dân gian, điều kiện thiết yếu của phục hưng dân tộc, cuối cùng đã được gắn kết. Năm 1418, với sự sụp đổ của chế độ cũ, đánh dấu cuộc trở lại đời sống chính trị của người An Nam, và từ đó, quốc gia chiến đấu để giành lại uy thế hợp pháp của mình và giải quyết, theo đúng điều họ biết là quyền và lợi ích của họ, các mối quan hệ của An Nam với đời Trần và với Đế quốc Trung Hoa.

Với một sự sáng rõ hai lần đáng khen về một chủ đề rối rắm đến thế, Pétrus Ký thuật lại các biến cố của “cuộc chiến tranh giành độc lập”; ông hiến cho độc giả của mình tất cả các yếu tố của một nghiên cứu  cơ sở và được lập luận trên “cuộc đấu tranh mười năm” ấy. Thời kỳ suy giảm, rồi sự thức tỉnh của dân tộc, có thể là thời kỳ nhiều ý nghĩa nhất của lịch sử An Nam thời trung cổ, chắc chắn là thời kỳ khó xử lý nhất (cho một sử gia). Không thể chỉ hạn chế trong các sự kiện quân sự: dân tộc An Nam, bị mất đầu bởi sự bội phản của nhà Hồ, đã bị xóa tên trong hai mươi năm khỏi thế giới sống. Tuy nhiên, chính quần chúng bị áp bức của nó, là những người gìn giữ dù không hoàn toàn có ý thức, của một kho tàng quý báu, chính những người thợ của công cuộc phục hưng văn học là điều mà ta phải biết để hiểu được nước An Nam đích thực, ngày ấy và hôm nay: đấy là lịch sử của xã hội, nhưng phong tục, những văn chương, những tư tưởng phải được lĩnh hội và trình bày ra. Pétrus Ký đã đảm nhiệm một cách xuất sắc nhiệm vụ ấy, chứng tỏ cái tri thức toàn năng mà ông vốn nổi danh. Cách trình bày của cuốn sách giàu ắp tư liệu rất sáng sủa, hầu như lúc nào cũng giản dị, linh hoạt, sôi nổi; ông không bị áp đặt bởi các yêu sách của lịch sử được mệnh danh là khoa học; ông dành phần xứng đáng cho trí tưởng tượng và trao quyền cho nó. Ông bị hấp dẫn bởi việc dựng lên các chân dung, các bức tranh, bởi phân tích tâm lý, và điều đó là vì lợi ích của người đọc. Hãy thử dẫn ra sau đây đoạn mở đầu chương “Chiến tranh giành độc lập”:

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của người Trung Quốc để tranh thủ tinh thần của nhân dân và đè nén những bất bình ngày càng tăng, giờ phút của các cuộc chiến đấu đã điểm.

Một trong những người An Nam vốn gắn bó với triều đình cũ, trong số những người được kính trọng nhất vì các phẩm chất cá nhân của mình, sau khi đã từ chối các thứ ban phát của người Tàu, bèn rút lui vào núi Lam Sơn, chiêu tập về cùng mình những kẻ thù của nền thống trị Trung Hoa. Người ấy có tên là Lê Lợi.

Do lực lượng thoạt đầu còn yếu, ông bắt đầu cuộc chống đối bằng một lối chiến tranh bất ngờ, khiến cho bọn Tàu rất khốn đốn. Ngày 9 tháng giêng năm 1418, tướng Mã Kỳ mang quân tấn công ông ở Lam Sơn. Lê Lợi lui về Lạc Thủy, rồi ngày 13 tiếp đó ông phái các tướng của ông là Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Liên, Lê Ly ra ngăn đường tiến binh của kẻ thù. Mã Kỳ thất trận, 3.000 quân Tàu và vô số vũ khí phải bỏ lại trận địa. Nhưng ngày 16 bị một người An Nam tên là Ái phản bội, dẫn đường cho quân địch và đưa chúng đến bao vây đội quân An Nam nhỏ bé. Tuy nhiên Lê Lợi thoát được; song gia đình ông rơi vào tay bọn Tàu và đội quân của ông phải chạy tán loạn. Có một lúc những người theo ông mất tinh thần. Nhưng ông không hề nản lòng và tin tưởng vượt qua nhiều thử thách gian nan lúc phải chạy trốn trong rừng sâu nơi ông ra sức trui rèn binh sĩ của mình, rồi ông phái các tướng Lê Lễ, Lê Náo, Lê Xí, Lê Đạt, thuộc gia đình ông, trở lại chiếm Lam Sơn là chốn rút lui ban đầu của ông. Đến tháng tiếp sau đó (tháng hai), cạn hết lương thảo, ông trở lại kiểu chiến tranh bất ngờ rất thành công và tiếp tế cho quân sĩ của mình bằng những thứ thu được của kẻ thù, và sang tháng thứ ba, đã thu thập được khoảng trăm binh sĩ cũ của mình phân tán ở Yên Mang, ông xây dựng một pháo đài và chiêu tập những người theo cùng từ bốn phương. Sáu tháng đã trôi qua như vậy cho đến khi tướng Lý Bân dẫn đầu quân Tàu xuất hiện ở Yên Mang; nhưng nhờ có tên tẩm thuốc độc, Lê Lợi đẩy lui được quân địch và giết chúng rất nhiều.

Mặc dầu có những biến cố đó và những uy hiép của một cuộc nổi dậy tiềm tàng, người Trung Quốc tưởng từ nay đã làm chủ được đất nước, it ra cũng lâu dài, tiến hành cùng lúc chiến tranh và thực dân hóa. Trong số những biện pháp nhằm chống lại sự lãnh đạm của người An Nam, họ bắt người bản xứ trồng tiêu. Vả chăng triều đình (Trung Quốc) rất quan tâm đến tất cả những gì liên quan đến phần đất mới này của đế quốc. Hai nhà bác học Hạ Thanh và Hạ Thời được phái sang nghiên cứu phong tục và sưu tầm các sách của xứ này và mang về những vật lạ và thù hiếm (1418).

Năm 1410, Trung Quốc tiến hành dạy các sách Ngũ kinh, Tứ thơ, và sách Phật. Họ cũng xúc tiến cải tổ trong các làng. Một trăm hộ thành một làng, các lý trưởng và mười giáp thủ được thay mỗi năm một lần.

Tuy nhiên Lê Lợi vẫn tiếp tục công cuộc kháng cự và chiến đấu táo bạo của mình, và mỗi chiến thắng mới càng động viên quân sĩ của ông và nâng cao uy tín của cuộc kháng chiến. Trước những triệu chứng báo động ấy, tháng sáu (năm 1420) triều đình phái vị đại quan (Phụng hóa) Trần Trí sang phối hợp với Lý Bân trong các cuộc chinh phạt. Song người An Nam không ngừng chiến đấu, tuy không đạt được lợi thế trong một thời gian.

Thậm chí một người chiến sĩ khác đã nổi dậy, đó là lê Ngã, nguyên là nô lệ của một công chúa nhà Trần, tự xưng là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông. Ông ta lui về Lạng Sơn, nơi chỉ trong một tháng ông đã chiêu tập được 10.000 người. Ông xưng vua, dập đồng tiền riêng; nhưng sau vài thành công ban đầu, ông phải chịu thua các cuộc truy đuổi ráo riết của Lý Bân. Ông biến mất và tên ông không còn thấy trong các biên niên nữa.

Nhưng Lê Lợi thì vẫn còn, và đấy không phải là một đối thủ dễ chịu biến mất như Lê Ngã. Những người Trung Quốc chiến thắng của hoàng đế hy vọng đánh bại người chiến binh quả cảm này không quá khó khăn và tiến công ông. (Giáo trình lịch sử An Nam, t. I, tr. 157-160).

Nếu có một số phần có thể phê phán, nếu đôi ba nhận định có thể cần được xem lại, thì những hạn chế ấy không hề làm giảm giá trị của Giáo trình, quả là một tác phẩm lớn và cho đến thời bấy giờ không có đối thủ. Những nghiên cứu mới có thể làm lung lay công trình của tác giả, những tư liệu sẽ trở nên có thể tiếp cận được hẳn sẽ làm biến đổi dáng vẻ của Lịch sử do Pétrus Ký phác ra. Ngay chính Pétrus Ký cũng không tự để cho mình có ảo tưởng là đã viết nên một tác phẩm xong xuôi. Bởi ông vừa là nhà bác học vừa là nghệ sĩ. Khi cần giải quyết một vấn đề xác định hay đánh tan lớp sương mù bất định phủ quanh một điểm nào đó, khí chất nghệ sĩ của ông chỉ tỏ rõ trong sự tiết độ tinh tế của lối chứng minh. Nhưng ông cũng có cái khiếu nghệ sĩ, thường rất hiếm khi, như ở ông, lại cùng tồn tại với thiên tư chặt chẽ về tính chuẩn xác khoa học, vẽ nên những phác họa tổng thể, ở đó cá tính của người thực hiện luôn lộ ra, dẫu anh ta tự kìm chế mình đến đâu để chỉ trình bày sự thật một cách đúng đắn nhất. Hãy đọc đoạn kể này về một trận đánh ở Thanh Hóa:

Trịnh Kiểm cho tấn công Đông kinh, kinh đô của nhà Mạc. Chiến dịch này, bộc lộ sức mạnh của phe ông, tuy nhiên chỉ có kết quả là kìm chế kẽ thù ở yên đấy cho đến năm 1555. Lê Trung Tông lợi dụng đoạn nghỉ ngơi này để tổ chức một cuộc thi văn học. Nhưng tháng tám năm 1555 Mạc Phước Nguyên phái một đội quân lớn, do người chú của ông ta là Mạc Kinh Điển chỉ huy, vào tỉnh Thanh Hóa để đè bẹp phe nhà Lê.  Một trăm chiếc thuyền vượt bể tiến vào cửa Thần Phù, trong khi về phần mình quân bộ tiến lên để chiếm các vị trí của họ trên sông Đại Lại. Trịnh Kiểm nhận ra tất cả. Ông thuyết phục dân ven sông đừng chạy trốn và tiếp tục công việc của mình một cách bình yên và vui vẻ, cứ như họ không biết gì cả; rồi ông phái một binh đoàn đến phía nam sông, giữa núi An Định và núi Quân An; tự ông thì đứng ở phía bắc giữa núi Bạch Thạch (núi đá trắng) và núi Kim Sơn (núi đá vàng), ở đấy ông bố trí 50 thớt voi chiến, trong khi 10 chiếc thuyền chiến lên xuống dòng sông giữa Hữu Chấp và Kim Bôi. Quân dịch tiến vào sông; người ta để cho chúng ngược sông bình an đến quá núi Kim Sơn. Các đoàn quân Mạc hoàn toàn bình yên; nhưng, đột nhiên, đúng trưa, khi họ đến gần núi Quân An, một phát thần công vang lên và cùng lúc các pháo đội lộ ra trên hai bờ sông và trong tiếng gầm liên tục tuôn một trận mưa sắt thép lên kẻ thù sửng sốt. Cùng lúc, các thớt voi chuyển động, các đội quân được rải từng chặng tập trung lại và khép chặt đường rút lui của quân địch, trong khi mười chiếc thuyền, đang ở trên cao, lao xuống cực nhanh, đến lượt mình bổ lên đầu kẽ thù tan nát. Đám quân địch, gồm 10.000 người, bị tiêu diệt hầu như hoàn toàn. Mười chỉ huy quan trọng bị bắt. Tuy nhiên Mạc Kinh Điển chạy thoát được, và vất vả trở về xứ của ông cùng với vài mảnh vụn của cái binh đoàn vốn có nhiệm vụ xéo nát phe nhà Lê (1555). (Giáo trình lịch sử An Nam).

Trước đó, không ai biết chút gì về trận chiến này; từ nay ta biết nó ra sao, tầm quan trọng của các binh đoàn tham chiến, tính chất của vai trò của nó; trong ghi chú này, mà tất cả đều mới mẻ, không một từ thừa, và dường như tuyệt đối không có gì có thể khác; khi đọc những trang này là một cảm giác thỏa mãn không chút dè dặt. Nhưng lịch sử các cuộc xung đột giữa nhà Mạc và nhà nhà Trịnh, giữa nhà Trịnh và  nhà Nguyễn, giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn, là những bức tranh quá rộng để ta có thể hiểu được chúng đầy đủ và chúng tất yếu đã được “soạn lai”, sắp xếp, tô màu. Song, không có sự bỏ sót, rút gọn, xếp đặt hay sắc màu hoặc nửa sắc màu văn học nào mà lời bàn, thậm chí ý định, không thể bị tranh cãi hay nghi ngờ, nhất là khi đề tài xử lý, như trong chuyện này, thuộc số còn có lợi thế thu hút sự quan tâm đến mức độ nào đó của đầu óc bè phái. Vậy nên, khi đã có tham vọng “viết lịch sử” trong những điều kiện như thế, thì phải chờ đợi những vụ kiện về khuynh hướng, mà những bậc uyên bác chỉ làm việc với các sự kiện vi phân, có cái ưu thế được miễn trừ.

Ngược lại, về những nguyên tắc căn bản của phương pháp lịch sử, Pétrus Ký tỏ ra không khoan  nhượng. Dầu là sử gia tiên nghiệm, như ông gọi, có tên là Guizot, Augustin Thierry hay Fustel de Coulanges, thì ông cũng không nhượng bộ gì hết, tuyệt đối không chút gì hết ngoài tài năng văn học, là cái trong tâm trí ông chẳng quan trọng cho lắm. Ý tưởng cho rằng các sự kiện trên thế gian này là do từ tư tưởng của một Đấng tối cao, quan niệm về sự chung sống của hai dân tộc, một của những người chiến thắng và một của những kẻ chiến bại, coi là tóm tắt lịch sử An Nam cho đến thế kỷ thứ 10, cuối cùng thì những kẻ sau thắng những người trước bằng cách đem lại cho xã hội An Nam  cơ cấu căn bản của nó, hay là cái luận đề rằng chẳng hề bao giờ có chuyện xâm lược của Trung Quốc, tất cả những khẳng định có hệ thống và lông bông đó gây cho ông cái tác động như của các trò tung hứng chẳng hề có chút giá trị khách quan nào. Và nỗi bực bội và bất bình của ông lớn lên và bùng nổ khi ông đi đến chỗ nhận ra rằng một số những kẻ khoác lác các hệ thống đó lại tự tuyến bố họ chỉ đơn giản là những người kể chuyện. Lối lên án kiên quyết mọi ý đồ phục hiện quá khứ bằng những con đường khác hơn là sắp xếp một cách hệ thống và chặt chẽ các sự kiện lịch sử, loại bỏ mọi ý kiến tiên định và lý thuyết cảm tính, như ta vừa thấy, được kèm theo một sự coi khinh rất đậm đối với các trò múa may về hình thức. Pétrus Ký đo lường giá trị của một cuốn sách duy nhất bằng vào các phẩm chất nền tảng của nó, ở chỗ ta rút ra được từ đó những lợi ích gì. Sao trên đời lại có thể có những người chẳng biết chút lẽ thường đến mức đặt Đại Nam quốc sử diễn ca lên trên Các Biên niên, ông hết sức kinh ngạc, gần như là chưng hững và đau khổ. Như vậy, đối với ông, văn phong chỉ có tầm quan trọng rất thứ yếu. Ta nhận ra phần nào điều đó khi đọc ông. Đúng ra, ông thường nói điều ông muốn nói bằng một hành ngôn chuẩn xác và đúng; thậm chí đây đó câu viết của ông mang dáng vẻ thư thái, và giọng điệu ranh mãnh thu hút sự chú ý. Thậm chí ông đạt đến chỗ hùng biện, một sự hùng biện tập trung, không cường điệu và càng lôi cuốn khi được chủ đề nâng ông lên và tình cảm ái quốc được trộn vào trong diễn từ của ông. Hãy xem cách ông biết, vào năm 1881, trình bày với vị Nam Kỳ dân biểu về vấn đề nhập quốc tịch của người An Nam:

Như chính ngài đã nói rất đúng, tôi nghĩ rằng việc nhập quốc tịch chỉ có khả năng và có thể thực hiện được cho những người An Nam theo Cơ đốc giáo, là thiểu số rất nhỏ trong dân cư bản địa. Quả là, nhờ có các trường học Cơ đốc, từ lâu họ đã được chuản bị cho cuộc hóa thân này, dù có thể vẫn còn chưa đủ để chấp nhận nó mà không dắn đo. Những người khác, ngược lại, các nhà nho, người theo Khổng giáo và Phật giáo, nghĩa là đa số mênh mông, khác biệt một cách căn bản với những người kể trước, do cả tín ngưỡng và tôn giáo lẫn các thiết chế gia đình cùng các nguyên tắc xã hội của họ. Và chính ở đó sẽ là nơi xây thành đắp lũy cho cuộc kháng cự lại ngoan cố nhất đối với những lợi ích của việc nhập quốc tịch mà Chính phủ rất rộng lượng trao cho. Cách tốt nhất để làm cho ta cảm nhận được trọng lượng khả dĩ của những toan tính đó trong quyết định về sau của những người An Nam phi Cơ đốc, là nhắc lại trong vài lời những nền tảng của thiết chế gia đình ở An Nam. Có thể tóm tắt trong ba điểm cốt yếu: 1° sự can thiệp của tổ tiên, 2° quyền uy của người cha, 3° lòng hiếu thảo, những điểm này gắn kết chặt chẽ với nhau đến mức bỏ đi một điểm nào bất kỳ cũng sẽ phá đổ toàn bộ tổ chức xã hội …

Với ba nguyên lý đó, là nền tảng bất biến của xã hội An Nam, xã hội này có niềm nở quan tâm hay chối từ việc nhập quốc tịch Pháp? Đấy là điều ta còn cần xem xét, và mục đích cúa nghiên cứu này là nhằm cho việc xem xét đó. Để duy trì việc thờ cúng tổ tiên, để việc đó không bị gián đoạn chút nào, mà hậu quả sẽ là tai hại cho hạnh phúc gia đình, thì chính gia đình phải trường tồn, và điều đó là theo dòng cha và bằng những hậu duệ nam giới hợp pháp. Cũng giống như ở người La Mã, quyền truyền nối ở nước chúng tôi được chuyển giao bởi những hậu duệ nam giới (bên phía cha), qui nascuntur patris, non matris familiam sequuntur. Chính là để đảm bảo sự nối dõi này mà hôn nhân đã được thiết lập. Cũng chính vì mục đích đó mà chế độ đa thê và ly hôn được cho phép. Tầm quan trọng của sự nối dõi này đến mức, khi không có được một người thừa kế hợp lệ chăm lo việc thờ phụng tổ tiên, luật pháp áp đặt việc nhận một trong nhưxng người cháu họ gần nhất làm con nuôi để duy trì việc thờ cúng đó, và tính tình trạng vô sinh của người vợ là một trong bảy nguyên nhân của ly hôn, trong trường hợp đó luật pháp cho phép lấy vợ lẽ và vợ ngoài giá thú. Vì tất cả những phòng ngừa đó của luật pháp, tất cả những thực hành được phê chuẩn bởi tập quán và tín ngưỡng đó không có mục đích nào khác ngoài việc bảo đảm duy trì thờ cúng tổ tiên, làm sao chấp nhận rằng người An Nam sẽ đồng thuận từ bỏ các truyền thống cổ xưa đó? Đấy sẽ là một sự bội giáo, một sự phạm thánh, một cuộc bỏ đạo. Vả chăng có hợp lý không khi tin rằng họ sẽ từ bỏ chế độ đa thê và ly hôn mà luật pháp cho phép và thường còn áp buộc họ?

Chúng ta đã nói đến quyền uy của người cha, hãy xem ông được trao những quyền gì. Người cha trong gia đình An Nam theo cách nào đó là vị giáo chủ của tục thờ phụng trong gia đình (Quả là chúng ta có thể dùng từ đó để chỉ việc thờ phụng tổ tiên rất giống với tục sacra privata và các lễ hội gia đình của La mã). Ông có quyền trị bảo và một quyền giám hộ chỉ mất đi khi người thực thi nó hay người nhận chịu nó chết.

Không có sự đồng ý của người cha, các con của ông không được phép lập bất cứ cơ sở riêng nào; trong trường hợp nối dõi của một trong những người họ hàng, trừ khi có trăn trối theo di chúc của người quá cố, những người thừa kế không được thực hiện chia gia tài trong suốt thời gian tang lễ. Cha mẹ có quyền di chúc theo ý muốn của mình, và như vậy uy quyền của họ tác động đến cả sau khi chết: họ có quyền tước quyền thừa kế và, trong trường hợp đó, người thừa kế phải trao ý muốn của họ vào tay người trưởng tộc, vả chăng chính ông này chủ trì theo luật việc chia gia sản và đảm bảo cho ý chí cuối cùng của người cha  được thực hiện, cái ý chí luôn được tôn trọng một cách chu đáo. Tất cả các quyền mật thiết đến thế với người cha trong gia đình, ông đã được nuôi dạy trong sự tôn trọng các quyền ấy, chúng là nền tảng của giáo dục đạo đức ông được dạỵ, viêc nhập quốc tịch Pháp có còn giữ được cho ông không? Và có thể tin rằng ông có thể từ bỏ chúng và chối từ thực thi một uy quyền mà ông đã tôn trọng ở cha ông, và tất cả đã làm cho uy qquyền đó là thiêng liêng đối với ông: truyền thống và tôn giáo? Cả người vợ nữa, chính bà có sẽ bị tổn thương không nếu chồng bà là người nhập tịch (Pháp)?. Chẳng phải bà là người kế tục hợp pháp của người cha, trong vị trí chỉ huy cao nhất của gia đình, người thừa kế tất cả các quyền của người chồng đã mất của bà? Ngay lúc sinh thời của chồng chẳng phải bà đã giữ môt nửa quyền ký một giao ước, cai quản tài sản của gia đình đó sao? Cuối cùng, chính các người con nữa, đến lượt họ sẽ trở thành cha, họ không tiếc vì mất đi những lợi thế mà một ngày nào đó họ sẽ có được sao? Sẽ ra sao đây đối với họ cái lòng hiếu thảo của con cái mà họ đã quen coi là đức hạnh cao nhất? Do nhập tịch (Pháp) mà được phóng túng hơn đối với các bổn phận của mình, vậy họ quả có muốn tự giải thoát khỏi chúng không và có lo sợ sự khinh miệt của công chúng sẽ vùi nát kẻ dám từ bỏ tôn giáo của cha ông?

Vậy đó ta thấy, những truyền thống xưa nhất, những luật lệ thiêng liêng nhất,  những giáo điều không thể xâm phạm nhất, những thói quen ăn sâu nhất, đều bị xói lỡ từ chân đến ngọn, và gia đình An Nam mãi mãi tan rã cái ngày người chủ của nó nhập quốc tịch Pháp.

Cuối cùng xin nói thêm một lời.  Hãy dõi theo dân tộc An Nam trong lịch sử của họ. Trung Quốc, kẻ láng giềng khủng khiếp của An Nam đó, sau khi sáp nhập lãnh thổ của chúng tôi, chẳng đã từng tìm mọi cách khả dĩ, trước hết biến chinh phạt thành đồng hóa, sau đó nhập tịch chúng tôi sao? Và điều đó, họ làm nhiều lượt khác nhau: từ năm 111 trước công nguyên đến năm 30 sau công nguyên, tức 149 năm, dười thời người Tây Hán; từ năm 226 đến năm 540, tức 314 năm dười thời Đông Hán; dưới thời Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề và Lương; từ năm 603 đến năm 930, tức 336 năm, dười thời Túy, Đường và Lương; từ năm 1418 đến năm 1428, tức 10 năm, dưới ách đô hộ của triều Minh. Sau bao nhiêu nổ lực, Trung Quốc đã thành công trong việc áp đặt cho chúng tôi chữ viết của họ, nền văn học của họ, tôn giáo của họ, và các luật lệ của họ; nhưng những người An Nam thua trận không bao giờ chọn kẻ xâm lược, cũng không thay đổi tên gọi lanh thổ của mình. Thời Lê Chiêu Thống, các quan theo ông ta sang Tàu, không chịu cạo đầu và ăn mặc quần áo Tàu; họ thà chọn cảnh lưu vong và ở tù do người Thanh buộc họ phải chịu thay vì từ bỏ quốc tịch của mình. Như vậy tình cảm dân tộc tồn tại, và ở độ rất cao, trong tim người An Nam, và giả như họ có ưng thuận với việc giải thể gia đình, thì một mình, tình cảm ấy vẫn sẽ lên tiếng khá to để nói với họ rằng hãy vứt quách cái chuyện nhập quốc tịch Pháp đi.[15] (Trương Vĩnh Ký, Thư, viết tay, được lưu giữ ở Thư viện của Viện Viễn đông bác cổ, I)[16]  

Đấy là lao động khoa học trung thực và kiên trì Pétrus Ký đã bắt đầu từ năm 1863, ở tuổi hai mươi sáu và sau đó ông đã theo đuổi không mệt mỏi, nhất là từ năm 1875, cho đến khi ông mất, ngày 1 tháng chín năm 1898.

Lao động bác học này, với tư cách là bác học, không được công chúng ưa chuộng. Các nhà bác học, mà đối tượng nghiên cứu là những thế giới xa xôi, những vấn đề đã cũ mòn, vất vã mò mẫm một cách chậm chạp đầy thận trọng, không tự cho phép mình đưa ra những giả thuyết liều lĩnh, những cao hứng đẹp đẽ mà lừa phỉnh, họ lặng lẽ dò dẫm lần đi, là những con kiến của thế giới bác học, nhặt hết hạt này đến hạt khác cái món ăn gia súc chất dồn trong các kho của họ, đúng vậy, với danh nghĩa gì mà họ dám đòi được hưởng ơn huệ của của đám đông? Thực tế là, họ cung cấp cho tiểu thuyết, cho sân khấu một đề tài mua vui dễ dàng. Những vấn đề khiến họ say mê được coi là trò vui; sự tò mò của họ gây cười mỉm; những đắn đo của họ trông thật kỳ lạ; người ta cho rằng lân la mãi với những con người ngày xưa tước mất đi của họ hiểu biết về những thực tế hiện tại. Về điều đó một nhà sử học đã đáp lại bằng những lời sau: “Trong số những nét hiện lên trên một bức tranh về quá khứ, chắc chắn là có những cái này quan trọng hơn cái khác, và ưu trội của nhà nghiên cứu thường là ở chỗ chọn ra đúng một đối tượng đáng để nghiên cứu. Nhưng nhốt con người lại trong cái vòng tròn chật hẹp của hiện tại, cấm họ hiểu biết về những tổ tiên xa xôi của họ, khám phá ra nguồn cội của mình, giao tiếp với những người đã đi trước mình và giải thích mình, nhập môn vào những hình thức và tư tưởng mà các thế hệ nối tiếp đã chứng kiến sự bừng nở, làm vậy sẽ là khiến cho cái lĩnh vực trong đó tư duy của con người tồn tại bé nhỏ lại quá thể, và đày họ vào một thứ cô lập về tinh thần. Không, chúng tôi không tiếc những gian nan chúng tôi đã phải trả giá cho nghiên cứu tìm tòi về văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, phong tục, tôn giáo quá khứ; chúng tôi không coi việc chúng tôi sử dụng những nổ lực của mình như vậy là thấp kém. Có những người khác cật vấn các bí ẩn của tự nhiên, dò xét các quy luật chi phối các thế giới, đi sâu vào đời sống của thực vật hay động vật. Còn chúng tôi, chỉ có con người là đối tượng cho các nghiên cứu của chúng tôi và chúng tôi không xấu hổ vì điều đó: con người cầu khấn, con người hành động, con người chạm khắc, xây đắp, viết, với tất cả sự khác nhau về đa dạng khí hậu và thời đại mà các công cuộc cao quý này tất phải bao hàm. Chúng tôi càng không muốn phủ nhận sự tỉ mẩn chu đáo, sự thận trọng chi li về phương pháp cho phép chúng tôi đạt đến mục đích được chậm hơn, nhưng cũng chắc chắn hơn. Phỏng có ích gì những khái quát vội vàng mà lại thiếu một cơ sở vững chắc? Còn có giá trị gì trang sách lịch sử hùng hồn nhất cái ngày người ta nhận ra nó đã được xuất phát từ một sai lầm về phê phán hay không hiểu biết về biên niên? Chúng tôi tưởng đang nghe lời xin lỗi của anh nhà văn quá vội vã, nhấn mạnh vào cái khó khăn anh đã gặp khi, trong một chút thời gian quá hạn chế, phải đủ sáng suốt cần thiết, và giống như Alceste [17], chúng tôi những muốn trả lời anh ta: “Thời gian cũng chẳng đem lại được gì cho sự vụ đâu”.

Đấy hẳn là cảm nghĩ của nhà bác học Nam Kỳ, dấn thân vào con đường khó nhọc của tri thức uyên bác, chẳng hề đo tính thời gian của mình, suốt đời nhọc nhằn chỉ duy nhất chăm lo tìm cho được sự chuẩn xác, ngày nay được vinh danh một cách xứng đáng là người sáng lập nền nghiên cứu lịch sử và ngữ văn học An Nam. Nhưng ta sẽ hiểu không đúng về Pétrus Ký nếu ta không coi trọng một yếu tố khác trong diện mạo tri thức của ông: những nổi lo lắng của nhà nho, và có thể, tham vọng của diễn giả. Bậc uyên bác, mà ta có thể ngỡ chỉ cắm cúi vào các nghiên cứu sử học và văn học của ông, không chỉ quan tâm đến các sự kiện. Với tư cách là dịch giả và người xuất bản các văn bản cổ, như ta đã thấy, ông luôn thận trọng và kìm chế, không để cho các thành quả khoa học của ông liên lụy vào những giả thuyết phiêu lưu. Nhưng ở chỗ khác, như trong các giáo trình của mình, ông thả mình phóng khoáng. Ông tìm kiếm trong tư tưởng cách cắt nghĩa các sự kiện, và trong lời kêu gọi đến công chúng, thắng lợi của tư tưởng. Ông mang ám ảnh của hành động văn học hay hùng biện, óc tò mò về các học thuyết, nổi quan tâm tới việc nói hay, ý chí muốn được mọi người hiểu. Có phải đấy là tác động đối với ông của giáo dục đạo đức ban đầu? hay do các nghiên cứu thần học của ông? Hay do từ thực hành dạy học lâu dài? Hẳn là có tất cả. Có điều là nhà ngôn ngữ học ấy vốn ham thích các ý tưởng và các khái quát, những tổng hợp rộng, sự thông giao với công chúng. Chính vì điều đó mà, cứ định kỳ, trong mọi giai đoạn của cuộc đời ông, ta thấy ông thoát ra khỏi lĩnh vực chuyên môn chật hẹp của mình, để làm nhà diễn thuyết hay nhà văn. Do thúc đẩy của Paul Bert ông còn đi đến cả chính trị.

Về việc này, hãy nói đến “vấn đề” sứ mệnh của ông ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ [18]. Chuyện không mới, tuy nhiên còn chưa cạn và sẽ còn chưa cạn khá lâu nữa, cho đến khi các tài liệu lưu trữ chính thức còn chưa cho biết tất cả các bí mật của chúng. Trong khi chờ đợi, những tư liệu mới đã bổ sung cho các tư liệu cũ. Về phần này Jean Bouchot đã moi tìm được những tài liệu quý và có thẩm quyền cao. Nhất là ông đã lục nhiều trong các Tài liệu lưu trữ của Nam Kỳ. Chắc hẳn nguồn gốc các tài liệu ông đã xuất bản đã khiến cho bản trình bày của ông có một màu sắc chính thức mà nhà sử học chung cuộc của Bắc Kỳ hẳn đã làm cho nhạt bớt đi; ít nhất chúng cũng cho phép họ phá bỏ đi đôi truyền thuyết và chỉnh lại trên một số điểm những khẳng định của một số truyền thuyết địa phương. Đây là một trong số những tài liệu ấy, đề ngày 28 tháng tư năm 1876, là một báo cáo của Pétrus Ký gửi cho Đô đốc Deperré, thống đốc Nam Kỳ, qua tham mưu trưởng Regnault de Premesnil:

Tôi hân hạnh gửi đến ngài báo cáo mà ngài đã có nhã ý yêu cầu tôi về tình hình chính trị Bắc Kỳ nơi tôi vừa đi thăm [19]. Trước hết xin ngài cho phép tôi kể nhanh về hành trình của tôi. Rời Saigon ngày 18 tháng giêng trên tuần dương hạm Duchapaud, chúng tôi ghé Tourane, để lại hai viên chức người An Nam; vài ngày sau chúng tôi đến Hải Phòng nơi tôi rời tàu. Tôi trình với ngài Lãnh sự Pháp các nhiệm vụ của tôi, ông cấp cho tôi hộ một hộ chiếu để ngày hôm sau tôi đi Hải Phòng, nơi tôi được ông Phạm Phú Thứ và ông Nguyễn Tân Đoàn, tỉnh trưởng và tỉnh phó thứ hai đón tiếp rất trọng vọng. Các quan chức cao cấp này gần như cưỡng bức tôi để giữ tôi lại cùng các ông trong những ngày đầu năm. Tôi được đối xử rất lễ độ. Từ Hải Phòng tôi đi cáng về Hà Nội (Kẻ Chợ) với sự bảo vệ của một đoàn tháp tùng. Ở đấy tôi tuyển mộ những người thợ khảm mà chính quyền đã giao cho tôi trách nhiệm đưa về, rồi tôi đi thăm thành phố và các vùng lân cận; sau đó, tôi lên đường trở về Hải Phòng và từ đó về Saigon.

Ở Hải Phòng tôi gặp tàu hơi nước của hãng Landstein, chiếc Whasi mà tôi phải đi cùng với những người tôi có nhiệm vụ đưa về; nhưng vì tàu này còn phải chờ hàng từ trong nội địa khá lâu, tôi từ bỏ ý định đi theo đường Hồng Kông sẽ khá tốn tiền, và sau khi đã báo với ngài Lãnh sự Pháp, tôi đi Nam Định, tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên, từ đó tôi đi Phát Diệm, một cảng biển nhỏ. Tại đấy tôi gặp một vị linh mục bản xứ theo tôi là một người có phẩm giá cao, có những ý tưởng rõ ràng và chắc chắn và trong khi diễn ra những biến cố gần đây đã khá có ảnh hưởng đối với tất cả dân chúng để giữ được bình ổn ở tỉnh Ninh Bình, trong khi chính quyền địa phương bất lực. Cụ Sáu (đấy là tên vị linh mục này) cho người đưa tôi đi đường biển đến sông Thanh Hóa và thành phố cùng tên. Trên dọc sông tôi thăm nhiều hang động lý thú khác nhau.

Tỉnh Thanh Hóa là cái nôi của triều vua hiện nay và triều vua trước dó. Sau khi đã đi thăm nhanh các vùng gần thành phố, tôi đi về tỉnh Ninh Bình, vượt qua ba dãy núi gọi là Tam Điệp, chạy song song từ Lào ra đến biển. Ba đường lượn sóng lớn này của mặt đất khá gần nhau; chúng chỉ cách nhau ở chân bởi một dãi đồng bằng chừng trăm mét; tôi phải mất gần một giờ rưởi để trèo qua một lượn sóng đó. Người ta bảo rằng các núi này có chứa kẽm cạnh lối vượt qua mà tôi đã đi theo. Tôi chỉ ở lại trong thành Ninh Bình gần 24 tiếng. Tôi đi Kẻ Sở, trú sở giám mục của Đức Puginier, từ đó tôi đi Hà Nội, rồi Hải Phòng, nơi tôi đến chậm mất hai ngày không kịp tàu Indre. Tôi phải chờ ở Hải Phòng mất hai mươi hai ngày mới lên được tàu Surcuof, về đến Saigon ngày 20 tháng tư, đưa về cùng, ngoài hai người An Nam đã đi theo tôi, còn có năm người thợ khảm trong đó một thợ đóng đồ gỗ quý, một thợ học việc, tên là Trang, cháu họ của Thomas Hớn, bạn đồng hành của tôi, một người trẻ tuổi mà đoàn giáo sĩ bản xứ giao cho tôi để được đưa vào trường trung học Saigon học tiếng Pháp đặng về sau làm thông ngôn. Tất cả là bảy người.

Bây giờ tôi xin đề cập đến những gì đặc biệt liên quan đến chính trị. Ở đây, tôi xin phép ngài được nói thật tất cả và trình bày với ngài những cảm nhận của tôi đúng như chúng đã nảy sinh trong tôi, để cuối cùng nói như tôi nghĩ là đúng với phẩm cách của nhà cầm quyền là người hỏi và của tôi là kẻ trả lời.

Tôi không nói đến một số giằng co dường như là có tồn tại giữa các giáo sĩ bản địa với nhà chức trách giáo hội; tôi không được biết rõ về điểm này.Nhưng tôi sẽ nói ngay rằng tôi kinh ngạc vì cảnh tượng thảm hại của những thù ghét có tính cách tôn giáo. Những người công giáo và những người không phải công giáo ghét nhau một cách sâu sắc, và trong những biến cố gần đây, nếu các nhà nho và những người không theo công giáo đã phạm những tội ác tệ hại, thì sự thật là những người công giáo đôi khi cũng không thua kém họ chút nào trong các vụ khủng bố. Trong các cuộc thăm viếng các nhà chức trách giáo hội của tôi, tôi đã chia sẻ với họ về những lo sợ của tôi cố gắng hé lộ cho họ thấy tất cả mối nguy hại đối với sự nghiệp của của người cơ đốc do sự khinh suất của một số hành động do một số người công giáo đã phạm phải gây ra. Tôi thậm chí nghĩ rằng các giáo sĩ (bản địa) đã đi quá xa, vì lợi ích của sự nghiệp của họ, khi cứ bám đòi bồi thường và lợi ích trước thái độ có phẩm cách, tôi dám nói như vậy, và vô tư của các nhà cầm quyền phi công giáo đôi khi đã phải hứng chịu bao lực của những người công giáo xấu. Về điều này, tôi chỉ xin dẫn ra trường hợp vị quan cai trị tỉnh Nam Định, người đã chứng kiến làng quê ông bị cướp phá, đốt cháy và hầu hết những người trong gia đình ông bị người công giáo đánh chết. Nhưng hãy cho tôi phủ một tấm màn lên cảnh tượng chiến tranh tôn giáo thảm hại ấy.

Quả đúng là bức tranh tôi sẽ trình bày đây dưới mắt ngài cũng chẳng ít buồn phiền hơn đâu. Sự thật là tim tôi đau thắt trước tình cảnh khốn cùng của nhân dân Bắc Kỳ bất hạnh.

Tôi đã nghiên cứu chăm chú các cấp độ khác nhau của xã hội và tôi đồng cảm sâu sắc. Tuy nhiên ở đây xin cho phép tôi được công bằng với các nhà cầm quyền địa phương đã đón tiếp nhiệt tình và đúng theo tất cả các nghi thức và phép lịch sự đối với người khách du hành đến trình diện với tư cách được chính phủ Pháp bảo hộ.

Tôi đã trò chuyện nhiều với các viên chức chính, và tôi nhận thấy tất cả đều chán cương vị của họ, do họ bị buộc phải tuân theo một cách nô lệ những lề thói cũ mòn, không thích hợp, nếu không nói là đối nghịch với tiến trình thực tế của những tư tưởng về tiến bộ và trong quan hệ với người nước ngoài. Triều đình muốn du nhập những tư tưởng mới đó, nhưng có vẻ họ bất lực, và tất cả thiện chí của họ bị xóa sạch bởi ảnh hưởng rất ưu thế của một số nhân vật ngoan cố và rất thù địch với các chủ thuyết chính trị mới.

Tuy nhiên mặt khác, không thiếu những người thông minh, những nhà cai trị có năng lực nhận rõ con đường ra phải là một cuộc cách mạng về đường lối của Chính phủ và với tất cả sức mạnh của niềm xác tín và uy thế của mình họ đấu tranh để làm cho đường lối của Triều đình ngã về phía họ. Đến ngày hôm nay họ còn yếu hơn. Phạm Phú Thứ, người có những tư tưởng chính trị gây lo sợ cho phe đối lập, đã gửi ra Bắc Kỳ, vâng, tôi nói Phạm Phú Thứ, và nhiều người khác, tôi biết, đã viết cho Triều dình để yêu cầu những sửa đổi, đề nghị những biện pháp và những cải cách thích hợp hơn với tình trạng hiện nay so với những thói quen cũ kỹ của chính phủ An Nam. Thậm chí có những vị thượng thư cũng khẩn khoản theo hướng tương tự. Nhưng nhà vua bị Viện Cơ mật không chế và lo sợ có thể xa rời các nguyên tắc của Thể chế vương quốc thoạt tiên đã do dự, rồi cuối cùng bỏ lơ các vận động đó. Các vị thượng thư đã muốn từ chức; nhưng những lời cầu khẩn của nhà vua đã khiến họ quyết định ở lại. Họ ở lại đó chỉ vì danh vọng, uy quyền và sự trọng vọng gắn với các chức vụ cao ấy. Họ chỉ được hưởng một món lương bổng không đủ vào đâu và những khẩu phần mà phần lớn thời gian họ bị cắt mất một, hai hay ba năm. Để giữ được mức sinh hoạt trong nhà, họ có nhu cầu (cái nhu cầu đôi khi khiến người ta có thể chịu khuất phục), họ buộc phải, tôi xin nói như vậy, tìm những nguồn cung ứng bằng những phương cách thật xa lạ với đức trung thực tinh khiết của nhà cai trị. Thu nhập lớn nhất của họ là bằng cách trích phần của các cấp trên của họ và có lợi cho mình từ những món tiền trả định kỳ bất thường cho các giấy phép, chứng nhận, bằng cấp v.v. mà họ ban phát. Có thể nói, về điều này, việc buôn bán với Trung Quốc là con bò sữa của giới quan chức An Nam. Vả chăng, cách trích phần này được thực hiện ở tất cả các cấp, và từ quan thủ hiến cho đến viên thân hào, mỗi người trích phần theo mức của mình. Như vậy kẻ lao vào một cuộc cưỡng đoạt vô tội vạ ấy chẳng cần là quan to, là nhà nho, là lý trưởng, là thân hào, là đồng minh hay bạn bè của một nhân vật quyền thế nào. Người thu tô run sợ về những món lợi tức mà anh ta dấu, nhà buôn run sợ về việc buôn bán mà anh ta thực hiện gần như lén lút, nhà công nghiệp run sợ về nền công nghiệp của mình, bởi của cải của người này cũng như người kia đều phó thác cho lòng tham của hệ thống tôn ti của guồng máy viên chức. Và trong khi đó, cái khối nhân dân mênh mông những người không là gì hết, những người thợ, những người lao động, những người nông dân, rên rỉ trong cảnh nghèo khốn cùng cực và trải qua những ngày không cơm và thất nghiệp. Cho nên cảnh khốn cùng trong nhân dân lên đến cực điểm, và khắp nơi ta nghe vang lên đòi hỏi những thay đổi và một nền cai trị có khả năng duy trì trật tự, đem lại cho nhân dân một ngày mai, đảm bảo quyền sở hữu, đem lại cho công nghiệp và thương mại sự an toàn và hoạt động cần thiết cho sự tồn tại của chúng, tóm lại kéo ra khỏi vực thẳm và nạn đói một dân tộc cảm thấy mình đang chết.

Và chắc chắn, đất nước không thiếu nguồn lực, và đất đai của nó, mà tôi gần như dám sánh với nước Pháp, ít ra thì cũng với Algérie, có những của cải đầy đủ để làm nên cơ nghiệp của một quốc gia. Đất đai ấy thuận lợi cho những loại cây trồng rất đa dạng. Những cuộc trồng thử nghiệm nho và lúa mì đã cho nhiều triển vọng đáng kể. Tôi đã nhìn thấy lúa mì mọc trên đất này; trông rất tốt, bông lúa đầy đặn và to. Ở đây tôi không nói đến tài nguyên khoáng sản; người ta đã báo cáo là mênh mông. Tôi nghĩ tôi có quyền nói là nhân dân của đất nước này chết đói trên một chiếc giường bằng vàng.

Nếu bây giờ tôi xét đến tính cách của dân tộc này, thì tôi phải thú nhận rằng, thua bất cứ dân tộc nào khác, nó xứng đáng với bất hạnh của nó. Đấy là một nhân dân hiền lành, rất dễ để dẫn dắt, siêng năng. Các thói quen của nó là hậu quả của tình trạng lộn xộn và bất an mà nó phải chịu. Luôn luôn bị chế ngự bởi nổi sợ, bởi sự khủng khiếp của chiến tranh, tương lai bất định,, nó ít lòng trung thành với những thủ lĩnh của mình, vốn chẳng thường sẵn sàng bảo vệ nó. Nó cảm thấy, chỉ một chính quyền kiên định và một quyền lực chính trực, lương thiện và được thiết lập vững vàng, mới chấm dứt được những đau khổ trường kỳ của nó. Chính ở đấy tôi đã tìm ra lời cắt nghĩa vì sao những kẻ nhiều tham vọng lắm ảnh hưởng và táo bạo lại tuyển mộ được dễ dàng những đồng bọn, lập các băng đảng, duy trì chiến tranh phe phái, v.v., và dân chúng thì lại thèm khát đến thế sự lãnh đạo cứu rỗi đến mức, lần nào rồi cũng bị lừa phỉnh, vẫn lao vào tay một tên phiêu lưu mới nào đó, hẳn hoài vọng cuối cùng tìm được sự bảo hộ mà nó đói khát. Vậy nên đôi khi so sánh số phận của mình với dân Hạ Nam Kỳ họ không khỏi có một cái nhìn thèm muốn.

Các vị quan thường hỏi tôi Pháp có ý định chiếm lấy đất nước này không. Tôi đã trả lời không và cơ sở cho lời nói của mình bằng hiệp ước hòa bình và thương mại và những lợi ích mà chúng bảo đảm cho An Nam. Quả nhiên, sự hiện diện của các Lãnh sự quán Pháp và các đồn binh ở Bắc Kỳ là một bảo đảm đáng kể cho sự an bình của Chính phủ An Nam, và yên tĩnh cho dân chúng lân cận. Đến một mức độ nào đó chỉ riêng sự có mặt của người Pháp, vốn đã đủ để đẩy xa khỏi hầu hết vùng ven biển vô số bọn cướp Tàu tràn ngập miền duyên hải và xứ sở, chứng minh một cảm giác an ninh trước đó không có được. Ơ những vùng lân cận các lãnh sự quán và các đồn binh ta nhận thấy việc buôn bán  được khôi phục và công việc làm ăn trở lại.

“Nên ứng xử với người Pháp như thế nào để có thể thu được lợi ích hơn cả?” người ta còn hỏi tôi như vậy. Tôi đã trả lời: “Các vị đã tin chắc rằng nếu Chính phủ Pháp muốn chiếm đất nước (này) thì họ đã làm từ lâu rồi và với một sự dễ dàng không thể chối cãi. Như vậy các vị đã công nhận rằng mình yếu, yếu đến mức cần tới sự giúp đỡ của một ai đó để đứng dậy. Vậy thì, các vị chỉ cần tin ở những đồng minh nổi tiếng của mình và hãy thành thật dựa vào họ để mà đứng dậy, nhưng phải là thẳng thắn không có ẩn ý, không có trù tính bí mật, đưa hết cả hai bàn tay cho họ chứ không phải chỉ đưa một còn giữ lại tay kia. Làm khác đi, thì chán nản vì những do dự của các vị, những ngập ngừng đầy nghi kỵ của các vị, sẽ có thể là nước Pháp ngưng bảo hộ các vị và để mặc cho các vị trôi theo số phận của mình.” Để cho chính xác hơn, tôi dùng hình ảnh quen thuộc này: “Nếu một bàn tay các vị dựa trên tay một người còn bàn tay kia lại cù người ta, cánh tay người ta sẽ né ra; các vị sẽ bị giật nẩy lên, các vị sẽ ngã xuống nặng đến nỗi gần như từ đấy không còn gượng dậy được nữa.”

Đấy là những nét nổi bật nhất trong những cuộc trò chuyện của tôi; nhưng từ tất cả các cuộc trao đổi chi tiết tôi nhận ra rằng nói chung các viên chức, ngoài những định kiến, những khó khăn vật chất, không đòi hỏi gì hơn là gia nhập vào các tư tưởng mới. Nhưng các truyền thống còn chế ngự mạnh, và họ lo sợ mất đi uy tín vẫn từng có quanh mình. Vả chăng họ đều tin chắc không thể có chút kháng cự nào chống lại người Pháp, và nếu nước Pháp muốn chiếm lấy xứ này thì chẳng mấy khó khăn cũng chẳng tốn kém bao nhiêu (về điều này, tôi chú ý là trong các cuộc trao đổi về chính trị không lần nào được nghe nhắc một nước khác ngoài Pháp).

Quan hệ giữa các lãnh sự Pháp và các nhà cầm quyền An Nam thỉnh thoảng còn một số khó khăn và rắc rối nhỏ luôn dễ thu xếp, mà tôi cho chủ yếu là do sự việc còn mới và do thói quen đã cũ của chính quyền An Nam hơn là do một ác ý có thật. Nhưng tôi không nghi ngờ. rằng ảnh hưởng của Chính phủ Pháp có thể không khó trở nên hoàn toàn ưu trội và có trọng lượng lớn trong việc thực thi những cải cách hết sức cấp thiết: cải cách chính trị, cải cách kinh tế, cải cách trong đường lối cai trị, cải cách trong quản lý tài chính, trong lĩnh vực luật pháp, v.v.

Tôi vẫn có niềm tin riêng tư rằng Chính phủ Huế, không có sự giúp đỡ, sẽ không đủ sức thực hiện công việc lớn lao này và nước Pháp có thể đưa quốc gia đang tàn lụi này đứng dậy, nếu chính quyền sở tại chân thành tin cậy vào nó.

Đấy là, thưa ngài Tham mưu trưởng, những nhận xét tổng quát mà tôi nghĩ tôi có nhiệm vụ trình lên ngài. Để kết thúc, tôi dám mong ngài Thống đốc, đã rất ân cần chăm lo cho lợi ích của những dân tộc khốn khổ này, sẽ rộng lượng và tin tưởng quan tâm đến câu chuyện mà tôi vừa trình. Đấy là kết quả của một sự quan sát chăm chú, được tiến hành vì kiến thức cá nhân của tôi, trong khi tôi hoàn tất trách vụ khiêm tốn của mình. (J. Bouchot, Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký, xuất bản lần thứ 3, tr. 34-41).  

Đến đây, nếu được phép quay nhìn về phía sau và rút một bài học từ cuộc đời của con người này, thì trước hết đó là bài học về lòng tin ở ý chí; miễn bền gan và cứng cỏi nó vượt qua mọi trở ngại; chính nó đã đưa người học sinh trường dòng này trở thành một nhà bác học rất nhanh chóng đạt đến cứu cánh mà tham vọng của ông đã có thể tự đặt ra cho mình. Điều đã trợ lực cho ông trong nhiệm vụ của ông, điều đã tạo nên hiệu quả của các nổ lực của ông cũng như sự nhất quán của cuộc đời ông, đấy là lòng yêu nước cháy bỏng của ông, tình yêu của ông đối với Nam Kỳ, “người mẹ yêu quý” của ông như ông vẫn thích gọi, nhưng là tình yêu mà ông không bao giờ tách biệt đối với các xứ An Nam khác. Ông đã cống hiến cho Nam Kỳ tất cả những gì ông có trong sức mạnh và nghị lực của mình; tham vọng tối cao của ông là tôn vinh nó trong quá khứ anh hùng của nó, trong tất cả những người đã đem lại vinh quang cho nó bằng thanh gươm hay cây bút. Chính như vậy đó mà ông đã trở thành sử gia, sử gia say mê để bảo vệ và ca tụng nó, nhưng cũng là sử gia trung thực và chân thành. Công trình ông để lại sau lưng mình là một minh chứng sáng chói rằng ông đã không ngừng lao động vì vinh quang của nó [20].

Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, ông đã tỏ ra là một nhà ngữ pháp học xuất sắc, vừa rất chăm chú trên chi tiết nhỏ nhất và rất tò mò về những phương diện lớn, những quy luật tổng quát của hoạt động ngôn ngữ [21]. Ông đã bộc lộ mạnh mẽ các xu hướng đó trong nhiều công trình về tiếng An Nam và về chữ Hán. Không thể khẳng định nội dung đều đã đáp ứng hoàn toàn tham vọng của tiêu đề (của các công trình ấy), thường rất rộng lớn. Nhưng làm sao có thể không nhận ra, dù cách sắp xếp ở đấy có thể có phần không rõ ràng, ở tất cả những tiểu luận ấy cái cảm giác đúng đắn và thích thú về các vấn đề được đặt ra khi xem xét về mặt lịch sử và ngữ văn học các ngôn ngữ quá ít được biết đến thế của vùng Viễn Đông? tất cả những gì chúng phát lộ về nỗ lực chăm chú, đầy thiện cảm, thấu suốt để có thể, bằng một quan sát thận trọng, làm bật lên những khái niệm rộng lớn và vững chắc về tính chất riêng và đời sống sâu kín của ngôn ngữ? Dường như đúng là những nét nhiều ý nghĩa nhất trong tư duy và tính cách đã tiền định cho Trương Vĩnh Ký một nhiệm vụ thuộc loại này. Đầu óc thẳng thắn, tỉ mỉ và minh bạch, kỷ luật chặt chẽ trong mọi việc, song cũng lại được đào tạo ở trình độ rất cao, thấm nhuần sâu sắc một nền văn hóa kinh điển, thiên về những cách nhìn khái quát có trật tự sáng tỏ của ông, tìm thấy ở đấy những cảm khoái mạnh mẽ, và một trường hoạt động rất thích hợp với thiên tư và những sở thích của ông.

Điều chúng tôi cố gắng tìm ra trong suốt nghiên cứu này, như ta đã thấy, là hình ảnh và tâm hồn của con người đã cho xuất bản những cuốn sách thật đẹp đẽ đến thế về lịch sử, ngôn ngữ và văn học An Nam. Ta tìm thấy lại ông toàn vẹn, với tình yêu lao động và sự tôn thờ khoa học của ông, với lòng yêu mến ông đã biết biểu lộ với những con người lương thiện ở họ ông gặp được cả sự cao cả bẩm sinh của trái tim lẫn đức tò mò của trí tuệ. Cuộc đời cần mẫn của ông quả là một cuộc đời thật đẹp. Ông đã làm vinh dự cho ngôi làng nơi ông ra đời và cả toàn bộ xứ Đông Dương An Nam mà ông truyền gửi lại lợi ích được tạo nên bằng lao động mênh mông của ông. Bổn phận của tất cả chúng ta là tiếp nhận lấy nó, trong các bản viết tản mát của ông và trong những ký ức của những người đã được nhìn thấy ông ở gần, tất cả những gì có thể cho ta biết về cuộc đời ấy trong toàn bộ sự thật của nó mà ta có thể tóm gọn trong ba từ: khoa học, lương tri và khiêm nhường.

CHÚ THÍCH:

[1] Chương trình lễ kỷ niệm trong tháng chạp năm 1937 sẽ bao gồm các sự kiện sau:

1-   Khánh thành một bia tưởng niệm ở Cái Mơn (Bến Tre), nơi sinh của Pétrus Ký; diễn văn về cuộc đời riêng của ông; 2- Đặt một tấm bảng tưởng niệm tại nhà Bà Phủ Phái ở Chợ Lớn, nơi đã từng có ngôi nhà của Pétrus Ký; diễn văn về cuộc đời của nhà bác học. 3- Dựng tượng ông ở trường Pétrus Ký tại Chợ Quán; diễn văn về cuộc đời công của ông (Tập san của hội Nghiên cứu Đông Dương, bộ mới, t. X, số 4, đệ tứ tam cá nguyệt 1936, tr. 145).  

[2] –  Trong tất cả các ghi chú đã được đăng cho đến hôm nay về Pétrus Ký, ghi chú của Jean Bouchot (1886-1932), chuyên viên lưu trữ của Chính quyền Nam Kỳ, thông tín viên của Trường Viễn Đông bác cổ (Một nhà bác học và nhà ái quốc Nam Kỳ, Pétrus J.B. Trương Vĩnh Ký (1837-1898), xuất bản lần thứ 3, đã được xem lại và hoàn chỉnh, Sài Gòn, Nhà xuất bản Nguyễn Văn Của, 1927, khổ 0m180х0,130). 103 tr. và một chân dung; và Châu Á Viễn Đông, tháng Chạp 1925-tháng Hai 1926) là đầy đủ hơn cả; nó gồm những hồi ức do gia đình cung cấp, những đoạn trích thư từ của Pétrus Ký và những tài liệu lấy từ Kho Lưu trữ Nam Kỳ. Toàn bộ không thật đồng nhất, tuy nhiên có một mối liên hệ nối liền các phần khác nhau; đấy là sự ngưỡng mộ của các tác giả đối với nhà bác học Nam Kỳ, một sự ngưỡng mộ vả chăng thật kín đáo, biết tuân thủ các giới hạn của sự thật lịch sử. Một vị giáo sư sử học và địa lý, Gilbert Rousset (1805-1930) đã tóm lược phần tiểu sử của ghi chú này trong một bài diễn văn đọc tại buổi lễ phát phần thưởng ở trường trung học Pétrus Ký, ngày 12 tháng Bảy năm 1930, như sau: “Pétrus Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6 tháng Chạp năm 1837, năm thứ 17 triều Minh Mạng, tại ấp Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long. Chưa đầy bảy tuổi ông đã mồ côi cha; mẹ ông giao ông cho một linh mục Pháp mà người An Nam gọi là Cố Long. Dưới sự dìu dắt của vị cha cố này, ông theo đuổi việc học hành, dù bấy giờ có những rối loạn do những cuộc truy đuổi thường xuyên đối với những người công giáo. Ngày từ dây ông đã tỏ rõ năng khiếu tiếp nhận dễ dàng một cách kỳ lạ các ngôn ngữ nước ngoài càng phát triển trong thời ông sống ở Cămpuchia, tại Pinha-lu, rồi ở Penang. Tại Chủng viện thuộc Hội Truyền giáo hải ngoại này, ông tiếp cận hết sức thành công tiếng Hy Lạp, tiếng La Tinh và tiếng Pháp, mà cũng không hề coi nhẹ các ngôn ngữ phương Đông, đặc biệt là tiếng Nhật và tiếng Hindu. Là một học sinh Chủng viện hoàn hảo, ông làm việc rất hăng hái, lại thêm tính cách thẳng thắn và trung thực khiến ông được mọi người yêu mến. Tuy nhiên cũng đã sắp đến lúc ông phải có một quyết định quan trọng: sau sáu năm học tập, những học sinh Chủng viện người bản xứ phải rời Pinang và trở về gia đình để quyết định, một cách hoàn toàn độc lập, họ có thích hợp để dấn mình vào giới tăng lữ hay không. Pétrus Ký, không tự cảm thấy trong chính mình có thiên hướng cần thiết, không hề do dự, và với sự thẳng thắn sẽ mãi còn là nét chủ đạo trong tính cách của ông, đã từ chối làm thầy tu và trở về gia đình cha mẹ. Hình như ông không ở nhà lâu. Chúng ta lại gặp lại ông chẳng bao lâu sau đó ở Sài Gòn nơi Đức Giám mục gọi ông vào, làm thông ngôn. Ít lâu sau Đức Tổng Giám mục Lefèvre giới thiệu ông cho thuyền trưởng tàu hộ tống Gauréguibery để làm phó cho Cha Croc thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại cũng trong nhiệm vụ thông ngôn.  Như vậy –từ năm 1860 – bắt đầu cuộc hợp tác giữa Pétrus Ký và nước Pháp: nước Pháp sẽ tìm thấy ở ông một người phục vụ tận tụy nhất và một người bạn trung thành nhất. Bởi ông không thuộc số người đặt điều kiện cho sự hợp tác ấy: nhận rõ ra ngay từ lúc bấy giờ tác dụng tốt lành của nền bảo hộ của Pháp, ông chấp nhận nó không chút do dự và sẽ cống hiến cả cuộc đời mình để làm cho đồng bào ông chấp nhận nó, đồng thời nỗ lực làm cho chính quyền Pháp hiểu rõ về đất nước mà họ có trách nhiệm cai quản. Từ nay người thông ngôn còn đồng thời là một nhà ngoại giao mà hoạt động mềm dẻo, kiên trì luôn nỗ lực đưa hai đất nước, hai giống người, hai nền văn minh xích lại gần nhau. Những ý tưởng đó càng rõ rệt và càng có một sức mạnh mới sau chuyến đi sang Pháp năm 1863 của Pétrus Ký tháp tùng Phan Thanh Giản, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của vua An Nam. Từ cung điện Tuileries rực rỡ nơi ông phiên dịch cho Napoléon III bài diễn văn long trọng của vị đại sứ, chuyến đi này còn đưa ông đến những thành phố lớn của nước Pháp, rồi sang Tây Ban Nha và Ý. Ông trở về đầy ắp kỷ niệm và tình bạn: quả thật làm sao có thể không mến phục sự chuẩn xác trong lời nói, vẻ cao quý trên khuôn mặt và nét trung thực trong cái nhìn của ông vẫn còn nhận ra được trên những bức chân dung mà năm tháng đã xóa mờ đi mất một nửa? Littré, Renan, Duruy, Victor Hugo, Paul Bert: những người bạn của ông là như vậy đấy, và chẳng còn gì quý hơn là những mối liên hệ đã được hình thành nên hồi bấy giờ giữa họ và ông: chuyến đi đã cho ông thấy được diện mạo của nước Pháp, nhưng việc tiếp xúc với một số những nhân vật lớn của đất nước ấy đã giúp ông cảm nhận được linh hồn của nó, và linh hồn ấy hoàn toàn chinh phục ông. Trở về, hoạt động của ông càng tăng gấp bội: liên tiếp làm giáo sư và hiệu trưởng trường thông ngôn, phụ trách xuất bản các tài liệu công bằng tiếng An Nam, giáo sư ở trường hậu bổ, ông tiếp tục một cách tận tụy nhiệm vụ của mình: trong khi để giúp cho người Pháp ông soạn cuốn sách học tiếng An Nam cho đến nay vẫn là mẫu mực trong loại sách này, một cuốn sách ngữ pháp và một cuốn từ điển, ông cũng cố gắng phổ biến tiếng Pháp trong đồng bào của mình, xuất bản một cuốn ngữ pháp tiếng Pháp, một cuốn địa dư Nam Kỳ và một cuốn lược sử An Nam.  Một sự nghiệp phong phú đã được tiếp tục như vậy, chỉ bị ngắt quãng năm 1876 bởi một chuyến đi ra Bắc Kỳ từ đấy ông mang về cho Thống đốc Nam Kỳ những chỉ dẫn quan trọng nhất. Nhưng chẳng bao lâu sau Pétrus Ký đã đạt đến đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của ông: việc thiết lập nền bảo hộ của Pháp ở An Nam và Bắc Kỳ cùng với việc bổ nhiệm Paul Bert làm Toàn quyền Pháp (ở Đông Dương) đã dành cho ông một vai trò đặc biệt quan trọng. Paul Bert vốn đã giữ một kỷ niệm rất tốt đẹp về nhà trí thức An Nam mà ông đã gặp vào năm 1863, đã đánh giá rất cao trí tuệ đặc sắc, sự sáng rõ trong lời nói, sự chân thành trong tình cảm của Pétrus Ký đối với nước Pháp, không thể không tận dụng những phẩm chất đáng trân trọng như vậy. Vừa đặt chân đến Sài Gòn, ông đã yêu cầu Pétrus Ký chuyển ra Huế để tham gia Nội các, vì tin rằng phần lớn những xung đột đối lập các dân tộc với những người cai trị không có nguồn gốc nào khác hơn là sự thiếu hiểu biết về những tình cảm tương ứng từ cả hai phía. Paul Bert muốn có được bên cạnh Chính phủ An Nam một nhà quan sát có thể vừa soi sáng cho người đại diện của nước Pháp vừa ứng xử với Triều đình An Nam thật thận trọng và thuyết phục. Nhưng hóa ra là vai trò đó đã được vượt qua rất xa, và hình như cả hai người bạn đều không ngờ đến điều ấy. Paul Bert đã có một lòng tin quá lớn đối với Pétrus Ký và Pétrus Ký thì lại có một nhân cách quá đặc sắc để “nhà quan sát” được đặt bên cạnh Triều đình không trở thành một cố vấn hết sức được lắng nghe. Còn có nhiệm vụ nào thích hợp với Pétrus Ký là bằng công việc hằng ngày của ông gắn kết hai đất nước ông yêu mến nhất trên thế giới này? Nếu những mối quan hệ gia đình và tình yêu quê hương đã khiến Pétrus Ký vẫn sâu sắc An Nam, thì hoạt động trí tuệ của ông lại cho ông một tư duy Pháp. Ông không chia tách hai tổ quốc ấy của mình, vì ông tin tưởng rằng đất nước yêu quý của mình có thể mong mỏi tất cả ở ảnh hưởng của Pháp; cho nên ủng hộ nước Pháp là một cách thức để chứng tỏ tốt nhất lòng trung thành với đồng bào của mình. Cho nên có thể nói rằng ông hoàn toàn đồng ý với Paul Bert khi ông này viết: “… Tôi tin tưởng ở các chủng tộc phương Đông đã từng chỉ đường cho chúng ta; tiếp xúc với chúng ta  họ sẽ tỉnh thức dậy sau nhiều thế kỷ mê mệt, và không ai có thể tiên đoán cuộc hợp nhất, tiếp xúc và tranh đua của những phẩm chất khác biệt đến thế và đều đặc sắc đến thế của các chủng tộc châu Âu và châu Á sẽ đem lại một sức kích thích mạnh mẽ đến chừng nào cho nền văn minh”. Buồn thay công cuộc hợp tác đầy tin cậy giữa hai con người vĩ đại ấy đã không được lâu dài. Ngày 11 tháng mười một năm 1886 Paul Bert mất, để lại cho Pétrus Ký nỗi đau buồn sâu sắc. Sự kiện bi thảm ấy đánh dấu kết thúc sự nghiệp chính trị của ông: sự tin tưởng tuyệt đối của Paul Bert đối với ông đã kích thích thói ghen tức nhỏ nhen ông vốn quen gặp của những kẻ thấp hèn không thể chịu được tầm cao vượt của ông. Người bảo hộ của ông mất đi, chung quanh ông nổi lên những trò châm chọc mà ông chịu đựng một cách đầy phẩm cách. Tuy nhiên hiểu rõ rằng thời cơ của mình đã qua, ông rút lui khỏi đời sống chính trị, về hưu tự nguyện với một huân chương cao quý vì sự nghiệp phục vụ nước Pháp. Ta lại gặp ông ở Chợ Quán, trong ngôi nhà gia đình với sự trìu mến của một người vợ xứng đáng với ông và những đứa con mà ông yêu thương hết lòng. Ông sống ở đấy những năm cuối đời, chia sẻ giữa những người thân và công việc nghiên cứu mà ông không hề rời bỏ. Chẳng chút hờn dỗi, cũng chẳng chút cay đắng, vì những tình cảm như vậy không hề vướng víu trong tâm hồn ông. Ông đạt đến cao độ cái đức tính mà người La-tinh gọi là acquanimilas, nghĩa là một sự điềm tĩnh tuyệt đối trong thái độ, không chếnh choáng trước thành công, và không sụp đổ trước bất hạnh. Ông chẳng hề đi tìm kiếm vinh quang, nên chẳng đau khổ khi chúng rời đi.  Là con người của nghĩa vụ, chính là vì nghĩa vụ ông đã chấp nhận một vai trò ông không nghĩ sẽ đến với mình. Và nếu, đúng như lời ông nói, ông đã là “người môi giới giữa hai đất nước và hai chủng tộc”, ông đã biết cống hiến hết mình mà chẳng bao giờ nghĩ rằng nhất thiết phải là mình. Những năm cuối cùng của ông đã trôi qua như vậy, và ngày mồng một, tháng chín năm 1898 khi cái chết đến tìm ông trong ngôi nhà nhỏ của ông ở Chợ Quán, ông đã bình thản đón nhận nó, vì, nghĩ về cuộc đời đầy ắp của mình ông có thể nói như một người thợ tận tụy vào buổi xế chiều: “Tôi đã làm việc rất nhiều”. (Tập san của Hội Nghiên cứu Đông Dương, bộ mới, t.VI, số 3-1, tháng bảy-tháng chạp 1931, tr.157-160).

[3] Danh mục này, được lập một cách trung thực, đã không tránh khỏi một số sơ sót nhỏ. Tr. 103, bài Phú bần truyện diễn ca (Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1885, in-8, 21tr.) không phải  của Pétrus Trương Vĩnh Ký mà là của Trương Minh Ký; v.v.                 

[4] Kim Văn Kiều truyện, lần đầu tiên chuyển sang chữ quốc ngữ với các chủ giải, trên đầu có một bài viết tóm tắt súc tích câu chuyện bằng văn xuôi của J.B.P.Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, bản in Nhà nước, 1875, khổ 0,185×0,115; 179 trang. Lời nói đầu, bằng tiếng Pháp, được viết như sau:

“Bản thơ mà chúng tôi cho xuất bản bằng chữ quốc ngữ, là một bài thơ luôn có trên miệng mọi người An Nam, đàn ông cũng như đàn bà, con trai cũng như con gái. Đây là bài thơ được ngưỡng mộ, được yêu thích nhất của các nhà nho, cả những người mù chữ, cả những người phụ nữ, vì luân lý chứa đựng trong đó, được lý giải một cách thật tuyệt, được trình bày thật hay dưới mọi khía cạnh, vận vào bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc nhân sinh cũng đều thích hợp đến chính xác. Khi buồn, ta tìm thấy trong đó niềm an ủi; khi có những ao ước cháy bỏng, ta tìm thấy trong ấy hình ảnh niềm hạnh phúc của chính mình, được mô tả rực rỡ cho đến nổi nó khiến giá trị hạnh phúc của ta được nhân đôi.

“Bài thơ đầy ắp những châm ngôn, những tính ngữ tuyệt diệu; những từ ngữ xúc động; những nguyên lý phổ quát và riêng biệt của đời sống xã hội được trình bày sắc nét và sáng rõ. Về những trầm luân của kiếp người chăng, ta thấy ở đây một bức tranh tuyệt mỹ về chốn mê cung của cuộc nhân sinh.

“Ảnh hưởng đạo lý của bài thơ này tác động đến tất cả các tầng lớp và trong tất cả các hoàn cảnh của con người.  Đấy là giá trị cơ bản của nó, lại cộng thêm trọng lượng tri thức, trải nghiệm và tài năng của tác giả, vốn rất giỏi văn chương An Nam, có thể coi là người cha thứ hai của ngôn ngữ thô mộc hằng ngày được chuyển thành thơ.

“Nguyễn Du, nhà thơ lỗi lạc ấy, là Hữu Tham Tri bộ Lễ. Cha ông là Đại Vương Nghiễm, thời Lê (Đọc: Trung cần công; x.Phan Sĩ Bảng và Lê Thước, Truyện cụ Nguyễn Du, Hà Nội, Mạc Đình Tư, 1924, tr. 41.) Ông đã viết bài thơ đầu tiên của mình dưới thời Gia Long, vị hoàng đế đầu tiên của triều hiện nay (Nguyễn) và ngay từ đầu đã chinh phục sự tán thưởng của nhà vua và triều đình.

“Uy tín và sự tán thưởng của các văn nhân xác nhận tác phẩm của ông là tuyệt đỉnh của thơ ca bằng tiếng An Nam.

“Chúng tôi đã hết sức cẩn trọng để có được một bản phiên âm chặt chẽ, và chúng tôi hy vọng lối viết chính tả chuẩn xác mà chúng tôi đã tuân thủ trong việc ghi đúng các thanh cũng  như các chữ cuối từ có thể có ích cho những người theo đuổi việc học và hiểu biết về chữ quốc ngữ, hình thức ngôn ngữ viết, tuy mới mẻ song cũng đã có tuổi đến hai thế kỷ rưởi tồn tại và nhằm giúp những người miệt mài học hỏi tiến nhanh trên con đường tri thức nhân văn.”

[5] Như đoạn dưới đây trong Ngư tiều trường điệu: “Ca này nói về thú kẻ đánh cá; người hái củi, cũng là thú vui trong đời. Vui là long đã chán sự đời đi rồi, nên công danh phú quý để mặc đời đua tranh; mình cứ vui non nước rảnh rang một mình. Ngư thì thong dong sớm doi tối vịnh, ngày hứng gió tối giữa trăng; lưới chài cho no rồi lại thả câu kiếm cá bán, mua gạo ăn, vịnh này qua vịnh khác lưu linh dưới sông dưới nước; nay chích mai dầm, một bầu thế giới vui thầm ai hay? Tiều thì cứ ngơ ngẩn trong rừng trên núi, đi đốn củi vác đem về chợ bán, đổi gạo cơm mắm muối nuôi mình;  chỉ nhờ lộc rừng củi quế dung thân, vui non vui nước, bạn cùng hươu nai. Người mà an phận thủ thường, tùy thì xử thế là phải lắm. Vì trong phận ở đời, sự nên hư may rủi là việc ở trời,  dẫu có bôn chôn cũng chẳng đặng, dẫu có đổi dời cũng không xong. Chi bằng thủ phận an tâm, cứ nước mình mà đi, cứ phiên mình mà làm, cứ phận mình mà giữ thì là hơn.” (Ngư tiều trường điệu, J.B.P. Trương Vĩnh Ký chép ra chữ quốc ngữ, dẫn giải, cắt nghĩa chỗ mất, Sài Gòn, Nhà in của Hội Truyền giáo, 1885, tr. 3).

[6] Tứ thơ– bằng chữ Hán và chữ An Nam. Q1 Đại học, Q2 Trung dong, văn bản bằng chữ Hán với bản phiên san quốc ngữ, dịch sát nghĩa từng chữ, và đối chiếu có bản dịch thành văn. Dịch thành tiếng An Nam suông sẻ và có phân tích lý lẽ bằng ngôn ngữ thông dụng. Sài Gòn, Rey và Cariol, 1889, 71 và 137 tr. _ Trong dịp có bản dịch ra tiếng Pháp các sách kinh điển Trung Hoa, chúng tôi có viết trên báo Tương lai Bắc kỳ như sau: “Dịch một cách trung thành không chỉ là diễn đạt lại tư tưởng của một tác giả không có sai sót và không phản nghĩa; miễn là người dịch biết ngôn ngữ gốc, nói chung đây không phải là một công việc quá khó khăn, nhất là khi đã có những bản dịch khác có thể nương theo. Một bản dịch chỉ thật sự trung thành khi nó còn chuyển tải được hình thức và dáng vẻ của câu văn, nghĩa là cách sắp xếp của chính các từ ngữ và tính chất riêng của chúng, cùng với cái dáng vẻ riêng mà tác giả muốn in đậm lên tư tưởng của mình. Làm khác đi, thì mọi sắc thái sẽ biến mất, sức sống độc đáo không còn, và tác giả sẽ không còn cá tính. Các bản dịch của Pétrus Ký thì không thế. Ông biết cách giữ được sự chuyển động của các tư tưởng ấy, vẫn giữ nguyên chính hình thức của văn bản, đặt khít cái câu tiếng An Nam vào đấy, và như vậy giữ được diện mạo của hình thức nguyên bản, hiểu rằng đặc sắc của Tứ thư – ngoài học thuyết của nó – chính là ở trong tính chất ứng khẩu, tính chất  bất thường, lạ thường của lối diễn đạt, và cái tính chất độc đáo ấy cần được phản ánh một cách chu đáo trong tiếng An Nam. Phải kể đôi chỗ không chính xác, đôi chỗ diễn đạt không chuẩn; thậm chí, tìm kỹ, có đôi chỗ phản nghĩa; nhưng văn phong của các nhà kinh điển Trung Hoa không phải lúc nào cũng sáng rõ, tư tưởng của họ cũng không dễ nắm bắt. Bản dịch của Pétrus Ký có thể được kể vào số những bản dịch tốt; chúng rất hiếm.

[7] Thi vân: Phạt kha, phạt kha, kỳ tắc bất viễn. Chấp kha dĩ phạt kha. Nghễ nhi thị chi, do dĩ vi viễn. Cố quân tử dĩ nhân trị nhân; cải nhi chỉ. Trung thứ vi đạo bất viễn, thi chư kỷ nhi bất nguyện, diệc vật thi ư nhân. “Thi kinh nói rằng: “Kẻ làm cái cán rìu có một cái mẫu ngay cạnh mình” (đấy chính là cái của chiếc rìu anh ta đang dùng). Anh ta cầm lấy một cái cán (một chiếc rìu có cán) để làm một cái cán khác. (Dù cái mẫu không ở đâu xa), người thợ nhìn nó mà quay mắt nghiêng, cho rằng nó ở xa khúc gỗ định dùng làm một cái cán mới. (Quy tắc của các hành vi của ta hay luật tự nhiên còn gần chúng ta hơn rất nhiều; nó bẩm sinh trong ta. Bậc hiền nhân luyện con người bằng con người (bằng phương tiện của luật tự nhiên vốn ở trong tâm của con người); ông chỉ chữa cho hắn những sai lầm của hắn. Ông tuân thủ nghiêm nhặt việc thực hành đức hạnh, đo lường người khác bằng thước đo cho chính mình, và không bao giờ rời xa con đường hoàn thiện. Ông tránh làm cho kẻ khác điều không muốn kẻ khác làm cho chính mình.” (Trung dung, trong Tứ thư, bản dịch của Couvreur, tr. 36).

[8] Thế kỷ IX đã tu chỉnh môn ngữ văn học và ngữ pháp so sánh của các ngôn ngữ Ấn-Âu: ngành ngôn ngữ học lịch sử đã được xây dựng. Các nhà ngôn ngữ học tập trung giải thích một loạt các sự kiện diễn ra liên tục trong một ngôn ngữ và trong một nhóm ngôn ngữ. Dù các kết quả đạt được là đáng kể, song chúng cũng chỉ cắt nghĩa được các sự kiện riêng rẻ. Dù phương pháp được vận dụng là khá chuẩn xác, song cũng chỉ đưa đến việc đặt ra được các quy luật lịch sử, chỉ có giá trị đối với một giai đoạn và cho một ngôn ngữ. Mà chỉ có khoa học thật sự khi ta thoát ra được các ngẫu nhiên của lịch sử. Vẫn còn phải đi tìm cho được những quy tắc chung của ngôn ngữ; phải làm bật ra được những quy luật ổn địnhphổ quát có giá trị cho mọi ngôn ngữ và mọi thời đại: đấy là mục tiêu đích thực của ngôn ngữ học tổng quát.

Trong quá trình phát triển của nó, mỗi ngôn ngữ tuân theo  những quy luật có tính chất khác nhau. Một mặt có những xu hướng riêng bắt nguồn từ hệ thống đặc biệt của ngôn ngữ đó, mặt khác lại có những xu hướng chung của ngôn ngữ do từ cấu trúc của các cơ quan cấu âm và từ cơ chế của tư duy.  Những quy luật chung này, vốn là đặc thù của ngôn ngữ học, chứ không phải sinh lý học hay tâm thần học – chi phối các sự kiện riêng của từng ngôn ngữ và chỉ có chúng mới cho phép ta giải thích được chúng.  Người ta vẫn vận dụng đến các quy luật ấy thường xuyên mà lại không phát biểu chúng ra. Cần cấp bách nêu bật chúng lên và xây dựng một học thuyết về ngôn ngữ. Đấy là quan tâm của F. de SAUSSURE vào những năm cuối đời; cũng là quan tâm của Antoine MEILLET và trường phái của ông. – Từ một thế kỷ nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ, người ta đã nhìn nhận về ngôn ngữ theo những cách thức rất khác nhau. Các nhà văn phạm học lãng mạn nghiên cứu ngôn ngữ như một cơ cấu tự trị phát triển trong môi trường riêng của nó. Rồi người ta lại thu mình trong một quan niệm trừu tượng về ngôn ngữ không quan tâm đến tính chất riêng tư của nó. Đối với Meillet (Ngôn ngữ học lịch sử và ngôn ngữ học tổng quát, Paris, Champion, 1921, Sưu tập về ngôn ngữ học do Hội ngôn ngữ học Paris xuất bản, t. III). Thực tế của một ngôn ngữ vừa mang tính chất ngôn ngữ học  vừa mang tính chất xã hội. Mọi ngôn ngữ đều là một hệ thống liên kết những âm thanh và hình thức phát triển theo quy luật kép của những xu hướng riêng của nó và những xu hướng chung của ngôn ngữ. Song mặt khác, ngôn ngữ không tồn tại bên ngoài những con người đang nói, bên ngoài tập thể đang sử dụng nó làm phương tiện thông giao. Vậy nên nó là một sự kiện xã hội: nó có những tính chất ngoại thuộc đối với cá nhân và cưỡng bức mà Durkheim đã xác định khi nói về hiện tượng xã hội. Chính xã hội thiết lập các chuẩn mực ngôn ngữ: cá nhân không có quyền sáng tạo (ra ngôn ngữ), và nếu một số sáng tạo nào đó, bắt đầu từ cá nhân, cuối cùng được chấp nhận, ấy là vì chúng đáp ứng được một xu hướng tập thể.- Ngôn ngữ là một thiết chế thuộc riêng về một tập thể xã hội, những biến đổi mà tập thể ấy hứng chịu gây một tác động lên sự phát triển của ngôn ngữ. Như vậy ngôn ngữ học trước hết là một khoa học xã hội. Chính vì thế mà nhà ngôn ngữ học không thể lập ra  các quy luật tất yếu. Các quy luật của ngôn ngữ học tổng quát chỉ phát biểu những khả năng: những khả năng ấy được hiện thực hóa khi lịch sử của xã hội và của nền văn minh cung cấp những điều kiện thích hợp. Như vậy chỉ riêng các nguyên nhân ngôn ngữ học thì không giải thích được những biến đổi của một ngôn ngữ, còn phải thêm vào đó các nguyên nhân thuộc về xã hội. Meillet đặc biệt nêu rõ (vai trò của) cấu trúc của xã hội. Chẳng có nơi nào trong môi trường xã hội là hoàn toàn đồng nhất: trong mọi nhóm xã hội đôi chút rộng lớn đều có những khác biệt đủ loại. Nếu mọi ngôn ngữ đều có xu hướng biến đổi trong suốt lịch sử của nó, thì điều ấy là do sự ngăn cách trong xã hội cũng như sự đứt quảng trong thông giao ngôn ngữ: mọi khác biệt về xã hội đều biểu hiện thành một khác biệt về ngôn ngữ. Lịch sử của từ vựng bị chi phối bởi nguyên lý này. Việc con người bị chia thành các giai cấp khác nhau là nguyên nhân chủ yếu của những thay đổi về nghĩa. Đấy là ý tưởng trung tâm trong một hồi ức nổi tiếng của Meillet đã có tác động đổi mới nghiên cứu ngữ nghĩa học, bằng việc khám phá nguyên lý khởi nguyên của các sự kiện mà người ta đã xếp loại không kể đến lợi ích theo thứ hạng lô gích. Ngôn ngữ là để mà thể hiện tâm tính của người nói. Do vậy nhà ngôn ngữ học phải quan tâm đến sự phát triển của nền văn minh: mọi tiến bộ của nền văn minh đều in dấu trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ còn dùng để biểu hiện ý chí và tình cảm của những người sử dụng nó. Họ muốn ý nghĩ của họ được cảm nhận thật rõ và tác động đến người đối thọai: họ không ngừng tìm kiếm những hình thức giàu tính “biểu cảm” hơn. Mà mọi yếu tố ngôn ngữ – dù đó là các hình thức hay các từ -có xu hướng cứ hao mòn đi: càng được sử dụng nhiều thì chúng càng mất đi giá trị biểu cảm. Cho nên người ta cứ luôn muốn sáng tạo thêm ra để được cảm hiểu hơn. Nói cách khác, nhu cầu được “nói một cách mạnh mẽ” là một nhân tố tích cực của đổi mới. Nhiều nghiên cứu của Meillet (Ngôn ngữ học lịch sử và ngôn ngữ học tổng quát)  chỉ ra rằng nhu cầu đó không chí có trong lịch sử từ vựng mà của cả trong lịch sử hình thái học. Đọc những nghiên cứu này, chăm chú đi theo người dẫn đường anh minh suốt 300 trang dắt ta vào diễn trình của hiện thực ngôn ngữ và gỡ rối một cách thần kỳ những phức tạp của các hiện tượng, càng nghĩ mà buồn cho việc dạy ngữ pháp trong các trường ở ta.  Thật đáng phàn nàn về các thầy giáo hiện nay có nhiệm vụ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ nho, hay tiếng Pháp không hề được học chút gì về ngôn ngữ học và ta thiết tha mong chấm dứt được tình trạng bất thường đó.

[9] Một nhà nho uyên bác có lần nói: “Vâng, khoa ngôn ngữ học có làm cho tôi quan tâm ít nhiều nếu cứ mười năm nó lại thay đổi một lần.”  Quả trong câu nói dí dỏm đó có một phần sự thật.  Đấy là lại thêm một lý do để thấy rằng ngôn ngữ học là một khoa học sống động và liên tục tiến bộ. Cũng là thêm lý do để đón nhận những cuốn sách đánh dấu các giai đoạn phát triển đó hay cả những cuốn sách chỉ cảm đoán các bước ngoặt (của phát triển).  Các cuốn sách của Pétrus Ký là thuộc loại đó: khá đi sâu vào chi tiết để, hẳn là đã khá lâu, gần như chẳng có gì quan trọng có thể thêm vào; khá tổng hợp về cơ bản để vẫn còn nguyên giá trị trên những đường nét lớn trong khi một số chi tiết đã trở nên cũ.

Thực tế, ngôn ngữ học không thay đổi: nhưng nó đã đi tới, và chân trời của nó đã thay đổi. Vào đầu thế kỷ, nó có những tham vọng lớn: nó không nghi ngờ khả năng, thông qua hoạt động ngôn ngữ, hiểu rõ được những bí quyết của hoạt động tư duy, và Bopp và Grimm có thể đã không thèm phí công cho một công việc vô ích là cân đo các âm tiết, nếu các ông không được cổ vũ vì hy vọng cao quý đó. Ngay cả ngày nay cũng không thiếu những nhà triết học xây dựng cả một tòa lâu đài tư biện tâm lý học chỉ đơn giản dựa trên sự kiện ngữ nghĩa học; nhưng các nhà ngôn ngữ học, thì hầu như tất cả, ít ra cũng đã từ bỏ việc đi tìm ở từ nguyên học, chẳng hạn của (ngôn ngữ) Ấn-Âu, những chỉ dẫn cho sự hình thành ngôn từ của con người. Về sau, với Schleigher, người ta hiểu ra rằng các ngôn ngữ Ấn-Âu bao giờ cũng chỉ cho ta biết về Ấn-Âu thôi, nhưng người ta muốn nó cho ta biết về điều đó đến tận cùng: đấy là một sự tò mò và một lòng sùng tín mong muốn hiểu biết đến mọi chi tiết ngôn ngữ tổ tiên, ít nhất là về mặt tinh thần, của những người châu Âu ở các xó nằm giữa châu Âu và châu Á ấy từ đó họ đã ra đi chinh phục thế giới, nếu có thể, muốn được viết, được nói giống như họ, và nhất là, được biết chính ngôn ngữ đó đã được sáng tạo nên như thế nào, những yếu tố nào đã nhập vào đó, những dính kết nguyên sơ nào đã đưa đến biến tố đặc trưng đã được truyền nối và gìn giữ một cách tuyệt diệu đến thế từ thời đại này sang thời đại khác. Tuy nhiên, từ đó, đã nảy sinh ý tưởng rằng, dẫu đã biết đến tường tận về ngôn ngữ Ấn-Âu, ta cũng còn chưa biết nó đã hình thành như thế nào: một ngôn ngữ nhất định nào đó, chỉ là một sự kiện hiện tại, khi việc so sánh nó với một ngôn ngữ khác tương đồng không hề cho phép ta đi ngược lên đến một sự kiện trước đó. Vả, hơn thế nữa, người ta lại mới nói với chúng ta rằng cái mà chúng ta gọi bằng cái tên Ấn-Âu chỉ là một sơ đồ, chỉ có giá trị là hệ thống tương quan giữa những ngôn ngữ được dẫn làm bằng chứng về mặt lịch sử; chỉ thế thôi, và ta phải thích ứng với quan niệm mới này.

[10] Chúng tôi thừa nhận rằng  việc học này đã trở nên rất khó khăn do việc sử dụng một hệ thống thuật ngữ sai hỏng. Như ta có thói quen gọi là a mở, a đóng các âm ở các từ tương ứng patte pâte: một sự phân tích về mặt sinh lý học dù là vắn tắt, cũng cho thấy ngay cái gọi là a đóng kỳ thực lại là mở hơn cái kia. Phải từ bỏ cách gọi đó mà người ta cũng muốn đem khuôn cho eo; bởi vì đó là một lối nhìn đối xứng sai: đơn giản hơn cả là gọi apattea vòm (miệng), và ở pâtea vòm mềm: nhất là chúng tôi không nghĩ rằng ta có thể ghi chú như thế đối với nhóm wa trong hai từ như moimois. Dường như cũng có khác biệt như vậy giữa a  ở âm cuối –ail và ở aille. Chúng tôi cũng sẽ nói như vậy đối với các trang mà các tác giả, đặc biệt là Poirot và Nyrop (Sách ngữ âm học tiếng Pháp nói) viết về e câm; theo chúng tôi ở đây có phần hơi miên man, và chúng tôi biết là vấn đề quả thật rất khó và không hề dễ năm bắt.

[11] Thông thoại quá trình, mà Henri Cordier (Biblioteca indosinica, Từ điển thư mục các công trình liên quan đến bán đảo Đông Dương, tập III, 214 tr.),  và tiếp theo ông là Jean Boughot (Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký, in lần thứ ba, tr. 105) chỉ ghi số 1, là những sưu tập các bài tập đọc ngắn nhằm để cho học trò các trường sơ học làm quen với sinh hoạt tinh thần của các xứ An Nam. Sau vài ghi chú về các nhân vật nổi tiếng, Pétrus Ký giới thiệu với chúng các phương diện khác nhau của nước An Nam bác học và văn học: ngôn ngữ và văn học, lịch sử và triết học, các câu đố và các tín ngưỡng dân gian, những lĩnh vực chính của văn học nói và viết ít nhất cũng được đề cập đến và các khuôn mặt chính của quốc gia được phác họa. Việc chọn lựa các đoạn trích nói chung là chính xác và khá trọn vẹn (x. chẳng hạn Phụng du tế quận công Võ Tánh Ngô Tùng Châu đồng văn, trong Thông thoại khóa trình, số 8, tháng chạp 1888, tr. 11-13. Đều là trích từ các bản thảo gần đây; ở đấy ta nghe được lời nói của những người đương thời, hay ít ra cũng là của những người hôm qua và đáng tin cậy nhất. Quả là chúng ta mong được tìm thấy cạnh đó những đại diện khác nữa của tư tưởng An Nam. Nhưng đặt qua một bên vấn đề lựa chọn còn có phần quá chủ quan đó, ta vẫn đồng ý về những gì vẫn mong đợi ở một công trình sưu tập kiểu này, nghĩa là những văn bản sống động và hấp dẫn, được viết bằng một giọng văn sáng rõ, không tầm thường, có thể tạo thành một tổng thể khá hoàn chỉnh và không quá tản mạn, trước hết là những văn bản nhiều gợi ý, có thể kích thích một bình luận bằng lời thú vị và thực chất. Sưu tập của Pétrus Ký có đầy đủ các giá trị đó.

[12] Trong nhiều bài học của ông, Pétrus Ký lấy lại một ý tưởng quen thuộc của một số nhà ngữ văn học châu Âu, nhưng ông đặc biệt áp dụng cho đời sống “cảm xúc” của hoạt động ngôn ngữ. Ta biết từ ngôn ngữ riêng của một vùng này sang một vùng khác, một từ thường chịu một sự xáo trộn, một sự “suy giảm giá trị”. Pétrus Ký chỉ ra rằng thông thường dân tộc du nhập một từ ngữ nước ngoài liền xếp loại nó cao hơn hay thấp hơn từ ngữ tương đương đã có trước đó trong ngôn ngữ của mình. Đứng về quan điểm văn phong và cả về “đạo lý”, cứ như là có các “lớp” trong một ngôn ngữ, và các từ du nhập từ nước ngoài chiếm vị trí ở tầng này hay tầng khác: quý tộc, thấp, công v.v. Độc giả của chúng ta đều biết các từ Đức, chẳng hạn, ngày trước du nhập vào Pháp đều bị một hệ số mỉa mai: rosse (con ngựa cà khổ), here (người cùng khổ), v.v.  Pétrus Ký kể ra nhiều trường hợp tương tự trong tiếng An Nam ở đó sự thẩm thấu của các từ ngữ nước ngoài bao giờ cũng thật mạnh, ngôn ngữ ở xứ An Nam giống như một hòn đảo, và tinh thần An Nam sẵn sàng tiếp nhận một cách dễ dàng mọi sản phẩm ngoại bang: sừ “monsieur”; hà bá: đất có thổ công, sông có hà bá; xi-xô xi-xào như Ngô phải tàu, “ làm ầm ỉ như người Tàu đắm thuyền” (tr. 68). Cũng có chỗ ngược lại: trước khi chữ quốc ngữ được phổ biến, hoạt động ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết luôn có ảnh hưởng của các hình thức phương ngữ, đã cung cấp cho Pétrus Ký cơ hội tiến hành những điều tra thú vị về đời sống của các từ và cả những nuối tiếc mang tinh thần ái quốc về sự vụng về của ngôn ngữ các nhà nho trong việc tiếp nhận được sự phong phú của cách nói dân gian. Cuốn Từ vựng An Nam-Pháp của ông ghi được nhiều từ cổ Bắc Kỳ thú vị, như blời = giời, trời (tr. 5), v.v.

[13] Giáo trình lịch sử An Nam dùng cho các trường ở Hạ Nam Kỳ, Saigon, Nhà in Nhà nước,  1875 và 1877, 2 tập, in-12, 184 và 278 tr., bằng tiếng Pháp; Ước-lược truyện-tích nước An Nam, Tóm lược biên niên, lịch sử và sản xuất của An Nam với các bản biểu khái quát, Sài Gòn, Ray và Curiol, 1887, 2 t., in-8°,  31 tr, bằng tiếng An Nam; Ký ức lịch sử về Saigon và các vùng lân cận, thuyết trình ở trường thông ngôn (Du ngoạn và Ghi nhận, số 23, tháng năm-tháng sáu 1885, tr. 5-32); Điếu văn Nam Kỳ do tướng Nguyễn Phước đọc trong bữa giỗ những binh sĩ bị giết do chính ông chỉ huy (Tạp chí phương Đông và Mỹ, t.X, 1865, tr. 256) v.v. Bên cạnh nhữmg công trình lịch sử này, cần thêm 1) một Ghi chú về vương quốc Khơme Rambodjie (đăng trong Tập san của Hội Địa lý Paris, tháng mười một 1863, tr. 326-33, ở đấy ta đọc thấy: “Tác giả của Ghi chú này, ngài Pétrus Trương Vĩnh Ký, là thông dịch của đoàn đại diện An Nam thăm viếng nước Pháp vào tháng mười và tháng mười một 1863. Còn trẻ nhưng có học vấn sâu sắc, hiểu biết nhiều ngôn ngữ châu Âu, cũng như những ngôn ngữ chính của châu Á, ông tỏ ra am hiểu tiếng Pháp chẳng khác gì tiếng mẹ đẻ của ông”, và 2) một Dư đồ thuyết lược (Tân Định, Saigon, Nhà in của Hội Truyền giáo, 1887, nhỏ in-8°, 116 tr. Và 8 bản đồ, bằng tiếng An Nam) và 3) một Giáo trình nhỏ về vùng Hạ Nam Kỳ dùng cho các trường thuộc đia, (Nhà in Nhà nước, 1875, nhỏ in-8°, 51 tr., bằng tiếng Pháp) trong đó có những “khái niệm lịch sử sau: “Vùng Hạ Nam Kỳ, tiếng An Nam gọi là Nam Kỳ lục tỉnh (vùng phía nam gồm 6 tỉnh) nguyên gốc là một phần của vương quốc Khơme (Cao Miên hay Chân Lạp). Vùng này được sáp nhập vào An Nam vào năm 1658, tức năm Mậu Tuất, đời thứ nhất của vua Thần Tông triều Lê và thứ 11 của chúa Thiếu-tông-hiếu-triết hay Hiền vương; nhưng việc sáp nhập chỉ hoàn tất và dứt khoát vào năm 1788. Như vậy những người An Nam trước đó đã chinh phục lãnh thổ của Ciampa (Chiêm-thành) là láng giềng của người Cambodge. Thành công của người An Nam trong việc chinh phục xứ này đã ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của dân tộc Khơme,  đã bị nhào mềm dến suy yếu,  chờ đến lượt cũng sẽ bị xâm chiếm như những người Ciampois láng giềng của họ. Năm 1689, một  vị tướng Trung Quốc, có các sĩ quan và 3.000 binh sĩ đi theo, đến Tourane (Đà Nẵng hay Cửa Hàn), ra mắt triều đình Huế, nói rằng ông thà xin phục vụ cho những người ngoại quốc chứ không chịu hàng bọn man di-Mãn Châu, đang là những người chủ mới của vương triều Trung Hoa, lật đổ nhà Minh, thay bằng triều Thanh. Vua An Nam (bấy giờ là chúa ở Huế) mở tiệc đãi ông ta cùng tùy tùng,  và ban cho ông ta một lá thư để ông ta và người của ông được phép trú đóng ở vùng Hạ Nam Kỳ, một số ở Mỹ Tho, số khác ở Biên Hòa. Vừa trú đóng được, những người Trung Quốc ở Mỹ Tho liền quên khuấy ngay những điều kiện theo đó nhà vua An Nam đã cho phép họ cư trú, không lo lập một khu thực dân địa nông nghiệp hay thương nghiệp, mà nghĩ đến chuyện thiết lập một thế lực và bành trướng lấn át quyền lợi của Cambốt. Vị vua Cambốt đệ nhất là Nêăc-ông-thu, đóng ở Gò-bich, đã tăng cường lực lượng để chống lại cuộc xâm lược có thể xảy ra của những người Trung Quốc này đang đe dọa tấn công ông. Vị vua đệ nhị Néăc-ông-nôn, đóng ở Saigon viết thư cho triều đình Huế báo tin về những hành động nguy hiểm của người Trung Quốc ở Biên Hòa chống Cămbốt. Triều đình Huế liền nắm ngay cơ hội để thực thi một dự tính đã ôm ấp từ lâu. Làm như tin rằng mũi giáo của vị vua thứ nhất của Cămbốt Néăc-ông-thu là chĩa vào họ, vả chăng lại lo bọn người Trung Quốc có thể trở nên độc lập thật sự và làm chủ một phần Cămbốt, triều đình (Huế) quyết định một chiến dịch có hai nhiệm vụ: đánh dẹp bọn Trung Quốc, và tấn công Cămbốt vì lợi ích của mình. Tướng An Nam Vau lĩnh chức Khâm mạng, làm tổng chỉ huy chiến dịch, do vua An Nam phái đi. Vị này lập tức tiến binh, tấn công và đánh tan bọn Trung Quốc ở Mỹ Tho, rồi đến vua Néăc-ông-thu khiến ông này phải rút lui về Ou-đông. Nhưng một hòa ước được ký giữa phái viên của triều đình và vị vua. Vị tướng (An Nam) rút khỏi lãnh thổ Cămbốt và lui về Bến-nghé (Saigon). Sau một năm, Néắc-ông-thu phản bội hòa ước. Vua Anh-tông-hiến-ngãi là chúa ở Huế (1864, vua thứ 10 dòng Lê Hi-tông) phái Nguyễn Hữu Hào mang quân tuyên chiến. Vị vua này bị bắt, và vừa về đến Saigon thị mất vì bệnh. Vị vua (Cămbốt) thứ hai tự vẫn. Người An Nam đặt con trai ông ta là Néắc-yệm lên ngôi và để ông này ở Gò-bích. Kiểu can thiệp này của triều đình Huế vào các sự vụ của các vương hầu Cămbốt là khá quen thuộc. Bao giờ họ cũng tự dóng vai trò trung gian hòa giải cho những mâu thuẫn của các vương hầu nọ; và bằng cách lợi dụng những bất hòa của các vị ấy mà đưa các dân di cư An Nam từ Huế, Quảng Bình, Bố Chánh, v.v. đến xâm chiến dần dần xứ sở này, tạo điều kiến để đến một ngày vào năm 1690, vua Hiến Tông, người nói ngôi vua Anh Tông (đời thứ 19 dòng Lê Hi-tông) thiết lập các tỉnh, huyện, tổng và làng và, rốt cuộc, một nền cai trị giống như những phần khác của vương quốc An Nam.

“Năm 1789,  dưới triều Thế-tổ hay Võ-vương (đời thứ 4 của Lê Ỷ-tông) vùng Hạ Nam Kỳ được chia làm ba trấn: 1° Biên trấn (Biên Hòa); 2°  Phan-trấn (Gia Định và Định Tường); 3° Long-hồ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Năm 18 6, dười triều Gia Long, xứ Đồng Nâi hay Gia Định (tức vùng Hạ Nam Kỳ được gọi như vậy vào thời này) được chia thành 5 trấn: 1. Phan-trấn (Gia Định); 2. Biên-trấn (Biên Hòa);3.  Vĩnh-trấn (Vĩnh Long, An Giang); 4. Định-trấn (Định Tường); 5. Hà Tiên. Cuối cùng, dưới thời Minh Mạng, là người mở rộng lãnh thổ này, lại chia thành 8 trấn: 1. Gò-sặt (Pursat); 2. Nam Vang (Phnom Pênh); 3. An Giang (Châu Đốc); 4. Vĩnh Thanh (Vĩnh Long hay Long Hồ); 5.Định Tường (Mỹ Tho); 6.Phan Yên (Gia Định); 7. Biên Hòa (Đồng Nai); 8. Hà Tiên. Dưới thời Thiệu Trị, người An Nam trả lại cho Cămbốt hai trấn đầu tiên và chỉ còn giữ lại 6 trấn.  Năm 1858 đoàn viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha do phó đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy đến từ Tourane, sau khi liên tiếp lấy các đồn ở cửa sông Saigon, chiếm thành Gia Định, ngày 17 tháng hai năm 1859. Trong thời đầu chiếm đóng, người An Nam rút lui về Chì Hòa và lập chiến lũy ở đấy. Vừa lập xong, thì ngày  26 tháng hai 1861 bị phó đô đốc Charner đánh chiếm. Sau trận chiến quyết định ấy, người Pháp chiếm thêm 3 tỉnh: 1. Mỹ Tho (Định Tường) ngày 12 tháng tư năm 1861, do phó đô đốc Le Page; 2. Biên Hòa ngày 9 tháng chạp năm 1861, do chuẩn đô đốc Bonard; 3. Vĩnh Long (Long Hồ) ngày 28 tháng ba 1862 cũng do chuẩn đô đốc Bonard.” (tr. 5-9).    

[14] Lịch sử xưa và hiện đại của xứ An Nam còn phải được viết lại. Các nguồn tư liệu không thiếu; hoàn toàn ngược lại, số lượng các sách của Trung Quốc đã in, không kể số còn trong bản thảo, rất lớn, và trước sự phong phú đó mong là công việc tiếp cận, như những công trình của Pétrus Ký còn phải được tiến hành trong thời gian ngắn nhất có thể, bởi việc tổng hợp chỉ có thể làm khi các sự kiện chính được xác lập tốt. Nền tảng công việc của Pétrus Ký được hình thành bằng việc phân tích rất chi tiết (tác phẩm của) các sử quan chính thống, nhân chứng tận mắt các biến cố. Nguyên bản chữ Hán  (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, v.v.) gồm hàng nhiều trăm tập chất đầy các tên riêng và các chi tiết lạ lùng. Pétrus Ký đã kiên  nhẫn đào xới hết tờ này đến tờ khác cái kho tàng sự kiện lịch sử ấy mà ông còn tô thêm bằng những chỉ dẫn rút từ các nguồn châu Âu. Chắc chắn là chất liệu tất siêu phong phú, nhưng Pétrus đã biết thực hiện bản trình bày của mình trong những công thức sáng sủa và được biểu đạt thật đẹp, mà không rời xa sự tĩnh lặng triết học, vốn là thiết yếu đối với người quan sát các phong tục và các cuộc chiến tranh ngày xưa.  

[15] Vấn đề nhập quốc tịch Pháp lại được nhắc đến với những lời lẽ tương tự trong sách thỉnh cầu gửi cho ngài A. Varenne năm 1925 và P. Reynaud năm 1931: “Sự hấp dẫn của việc nhập quốc tịch là do một số lợi thế quan trọng: quyền tự do tư tưởng và viết, tự do hội họp và lập hội, đi lại, quyền được có vũ khí để sắn bắn và bảo vệ tài sản của mình, quyền bầu cử và được tham gia tất cả cuộc trưng cầu ý kiến bằng bầu cử, được hưởng quy chế luật pháp được quy định theo luật của Pháp thay vì phải chịu những nhập nhằng của luật bản địa, của chế độ dân bản địa hay việc gán thân trả nợ, những lợi thế về mặt hành chính cho phép khi ngang bằng về chức vụ chuyên môn, về năng lực kỹ thuật và lao động, một người đã nhập quốc tịch Pháp, với tư cách là viên chức, được hưởng lương ít ra cũng gấp năm hay sáu lần nhiều hơn đồng nhiệp của anh ta vẫn chỉ còn là thuộc dân (sujet) Pháp … Hoặc là một cách nhập quốc tịch (Pháp) được mở rộng hơn, được  cấp một cách tự do không nghi ngại và không định kiến cho những người được xét là xứng đáng hoặc một cải cách về quy chế đối với các thuộc dân Đông Dương: ban bố những quyền tự do rộng rải hơn, quy chế luật pháp mới đảm bảo quyền tự do về tài sản và nhân thân, xét lại quy chế viên chức theo hướng để cho số đông được hưởng những lợi thế trước đây chỉ dành cho một thiểu số.” (Pierre Treval,  Người Đông Dương có muốn trở thành người Pháp?Nhật báo tranh luận, được đăng lại trên Pháp-Đông Dương ngày thứ sáu 3 tháng 7 năm 1937). “Công báo ngày 27 tháng 7 đăng một nghị định ngày 23 tháng 7 quy định những điều kiện theo đó các người bản xứ Đông Dương, là thuộc dân và dân bảo hộ  Pháp, chỉ cần có đơn xin, có thể được hay toàn quyền được tư cách là công dân Pháp.” (Đài phát thanh Paris ngày 27 tháng 7 năm 1937).

Chú thích thêm của người dịch: “Thời Đông Dương thuộc Pháp, trên pháp lý, người dân Đông Dương chia thành ba hạng. Đứng đầu là công dân Pháp (citoyens français) gồm những người Pháp và một số người bản xứ được quốc tịch Pháp. Thứ nhì là thuộc dân Pháp (sujets français) là dân Nam Kỳ và dân chúng của ba thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội. Hạng ba mới là dân bảo hộ (protégés français) tức là đại đa số dân chúng Trung, Bắc Kỳ, Lào, và Cao Miên.

Trương Vĩnh Ký, dân Nam Kỳ, là sujet français, thuộc dân Pháp, có quyền xin vào quốc tịch Pháp để trở thành citoyens français, công dân Pháp, nhưng ông đã từ chối việc này” (ND)

[16] Một số thư chưa xuất bản của Pétrus Ký gần đây đã được Hội nghiên cứu Đông Dương ấn hành. Đấy là:  Thư từ bằng tiếng la-tinh chưa xuất bản của Trương Vĩnh Ký, do Raphaël Parquissau dịch và xuất bản (Ts. của Hội nghiên cứu Đông Dương, s. b., t. IX, số 3, Tháng bảy- tháng chin, 1934. Tr. 27-50); Thư từ trao đổi giữa Đức Hoàng đế Đồng Khánh với Pétrus Trương Vĩnh Ký, nhà bác học Nam Kỳ. Văn bản chưa xuất bản do ngài Nicolas Trương Vĩnh Tống, và do ngài Raphaël Parquissau dịch và chuyển thanh thơ tiếng Pháp (Hội nghiên cứu Đông Dương dâng Đức Hoàng đế Bảo Đại.) [Sài Gòn, Hiệp hội ấn loát và nhà sách Đông Dương, 1932, khổ 0,395x 0,245; 40 tr., có chân dung vua Đồng Kánh và Pétrus Ký].

[17] Thần thoại Hy Lạp : Alceste là con gái của Pélias, người đã cướp ngôi của anh để làm vua xứ Thessalie. Lớn lên, Jason, con của vị vua đã bị cướp ngôi đòi lại ngôi vua. Pélias hứa sẽ trả lại ngôi nếu Jason đi chiếm được Bộ Lông cừu vàng, là vật thiêng có cánh có thể đưa con người bay, do Ééteste  giữ. Jason tranh thủ được tình yêu của con gái Ééteste là Médée, vốn có nhiều phép ma thuật. Chàng lấy được Bộ Lông cừu vàng mang về, nhưng thấy Pélias đã giết cha. Médée, lúc này đã là vợ Jason, bèn bày mưu, băm nhỏ một con cừu đực, bỏ vào nồi nước sôi, sau đó lại đưa ra được một con cừu non. Các cô con gái của Pélias thấy vậy cũng đem bỏ cha vào nồi nước sôi để làm cho ông trẻ lại. Rốt cuộc, Pélias chẳng còn bao giờ chui ra được. Trong vụ này, riêng Alceste từ chối không tham gia.

Nhờ có Apollon, Alceste được gã cho Admète, vua xứ Phèdre. Nhưng Admète quên làm lễ hiến sinh cho thần Artémis, nên trong đem cưới đôi tân hôn thấy giường của mình đầy rắn. Apollon lại phải ra tay giúp. Khi Admète chết, thần cầu khấn các Moires cho chàng sống lại, nhưng họ đòi phải có người chết thay. Bố mẹ Admète từ chối, nhưng do yêu thương chồng Alceste chịu uống thuốc độc để tự vẫn. Héraclès đưa nàng từ địa ngục trở lại trần gian … Họ có với nhau hai đứa con là Eumélos và Périmèle. (ND)

Các chú thích trong văn bản này đều là của tác giả Nguyễn Văn Tố, trừ những chú thích có ghi (ND) là của người dịch.

[18]  … Paul Bert, tức Joseph Chailley (Paul Bert ở Bắc Kỳ, Paris, Charpentier, 1887, tr. 66-67), đưa vào viện Cơ mật một nhà nho có danh tiếng lớn của Nam Kỳ thuộc Pháp tên là Trương Vĩnh Ký. Đấy là một người được tranh luận đến mức kỳ lạ, mà các dư luận đều đi đến cực điểm. Cả tư cách là người công giáo của ông,  lẫn sự hiểu biết hoàn hảo của ông về nền văn minh và ngôn ngữ của chúng ta, các danh hiệu văn học không thể chối cãi của ông đều không hòa giải được cảm tình của các cơ quan cai trị nối tiếp ở Nam Kỳ. Những tri thức toàn năng của ông, sự cảm nhận của ông đối với mỗi sắc thái nhỏ tế nhị nhất của tiếng Pháp, đến cả phẩm chất người Nam Kỳ có thể khiến ông là người trợ thủ vô cùng  quý giá ở Huế, và ngài Bert, là người áp dụng khoa học thực nghiệm cả trong việc tuyển mộ nhân sự, nghĩ rằng sẽ không làm tròn bổn phận của mình nếu, dựa trên những phòng ngừa nói chung khá mơ hồ, lại tự mình tước đi một người cộng tác quan trọng như vậy.” X. đoạn sau đây trong một bức thư của Pétrus Ký gửi cho Paul Bert (7 tháng bảy 1886): “… về căn bản tôi vui vì tất cả những chuyện ấy, và danh tiếng nhà sinh lý học của ngài sẽ không bị hạ thấp chút nào do chỗ ngài bị bao quanh bởi một con người nguy hiểm như món thuộc độc mạnh nhất (Pène Siefert) và một tên phản bội (Trương Vĩnh Ký). Ngài chỉ cần áp dụng châm ngôn: contraria contratis carantur, ‘‘ Những cái ngược nhau được chữa bằng những cái ngược nhau” (J. Bouchot, Pétrus J. P. Trương Vĩnh Ký, xuất bản lần thứ ba, tr. 69-70; x, nt., tr. 92: “ông (Pétrus Ký) đã phải tự bảo vệ chống lại ác tâm của người An Nam buộc tội ông “phản bội” chính đất nước mình”).

[19] Năm 1881 Pétrus Ký đã tập họp các ký ức của ông về thời gian ở Bắc Kỳ (Voyage au Tonking en 1876, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876),  Sài Gòn, Guilland và Martinon, 1881, in-8°, 32 tr.). Những ký ức này, được viết không hề có ý đồ văn chương và chắc hẳn cũng không định công bố rộng rãi, phát hiện cho ta nhiều hơn là một cảnh trí mặn mà nay đã mất, một nét phong tục và tập quán đã bị lãng quên và từ đó cho phép ta suy xét đúng hơn về những con người và sự vật thời trước. Không nên tìm ở đấy một mô tả khoa học, cũng không có hệ thống, về xứ sở, mà là một thoáng nhìn của một con người biết quan sát, đi qua nhanh và phán xét vội, biết rằng, ở mỗi điều mình nhìn thấy, có gì đó là lịch sử trong ấy và dưới những vẻ bề ngoài của chúng, và nhắc lại những điều đó trong đôi từ súc tích. Thêm vào đó một ngòi bút linh hoạt, tìm ra một cách dễ dàng một hình ảnh sống động và gây rung cảm, biết vẽ ra những tổng thể lớn, khắc họa những chi tiết điển hình hay ghi khắc những con số chính xác.  Một chương đầu chỉ ghi rất vội những chặng dừng trên hành trình, không cho ta biết điều gì thật mới. Chính Hà Nội chiếm vị trí hay nhất trên tấm bản ghi (tr. 5-8), và dù Pétrus Ký không cho chúng ta một nghiên cứu độc đáo hay đầy đủ, ít nhất cũng đáng nghe những gì ông nói về thành phố  và các ký ức lịch sử của nó. Có những trang nhận xét tinh tế về tính chất quốc gia; về đời sống xã hội, các phong tục, các trò chơi, đặc biệt về các lễ hội, những chỉ dẫn lý thú, riêng, khá phong phú: những mô tả hấp dẫn về thành cổ, các chùa, Hố Gươm và Hồ Tây. Chúng tôi xin trích ra một số trang sau:  “Đi coi cảnh chùa của ông nguyễn Đăng Giai lập một bên mép hồ Hoàn Gươm. Nguyên thuở ông Nguyễn Đăng Giai ngồi tổng đốc Hà Nội, người bày ra cho di thủ quyên tiền quan dân mà lập nên kiểng chùa thờ Phật. Làm cũng đã công phu lắm, tốn tiền gạo hết nhiều, nên mới có bài thơ học trò chê ông ấy rằng:

                                   “Phưc đức chi mày bố dĩ Giai?

                                  “Làm cho tổn Bắc, lại hao Đoài.

                                 “Kia gương Võ đế còn treo đó,

                                 “Ngạ tử Đài Thành, Phật cứu ai?

Cảnh chùa thật đã nên là tốt: vô cửa hai bên có tháp cao. Vào trong có hồ đi quanh co vòng theo chùa, lại ăn lọt dưới chùa nữa, hai bên mép xây gạch xây đá cả. Cầu bắc tứ phia qua chùa đều cũng xây gạch đá hết hẳn hoi. Xung quanh bốn phía có nhà hành lang chạy dài ra sau giáp nhau. Trong chùa đàng trước để tượng Phật đứng bàn cả đám, hình lớn to, quang thếp cả. Hai bên có làm động và tháp điện, đều bong hình nổi ra hết. Đằng sau có đền, có tạc hình cốt ông Nguyễn Đăng Giai. Phải chi nhà nước lo tu bổ gìn giữ thì ra một cái kiểng rất xinh đẹp. Mà nay thầy chùa sãi ở đó dỡ ngói, cạy gạch bán lần đi mà ăn, nên hư tệ uổng quá”. (Voyage au Tonking en 1876, tr. 5)  “Trước hết vô hoàng thành cũ, lọt khỏi ngũ môn lâu, lên đến Kỉnh thiên. Đền ấy nền cao lắm, có 9 bậc xây đá Thanh, hai bên có hai con rồng cũng đã lộn đầu xuống. Cột đền lớn trót ôm, tinh là gỗ liêm cả. Ngó ra đàng sau còn thấy một hai cung điện cũ chỗ vua Lê ở thuở xưa, bây giờ hư tệ còn tích lại đó mà thôi. Ra ngoài cửa ngũ môn lâu, thẳng ra cửa nam, có cột cờ cao quá xây bằng gạch, có thanh khu ốc xây trong ruột nó mà lên cho tới chót vót… Coi rồi mới ra đi đến xem chùa một cột, là cái miếu cất lên trên đầu cây cột đá lớn trồng giữa ao hồ. Nguyên tích ai thiết lập ra thì người ta nói mờ ơ, không lấy đâu làm chắc cho mấy. Cứ sách sử ký và Đại nam nhứt thống chí, thì chùa ông thánh đồng đen kêu là Trấn võ quan tự, ở về huyện Vĩnh thuận, phường Đoan chương đời nhà Lê, năm Vĩnh trị năm Chính hòa, vua Hi tông (1675) sửa lại đúc tượng đồng đen cao 8 thước 2 tấc, nặng 6600 cân, tay hữu chông trên cây gươm, chỉ mũi trên lưng con rùa, có rắn vấn doanh theo vỏ gươm. Trong sử đời thục vua An dương bị tinh gà ác và phục quỷ núi Thất diệu, mà nhờ có thần hiện trên núi Xuân lôi thuộc về tỉnh Bắc ninh trừ ma phá quỉ hết đi, thì vua dạy lập miếu phía bên bắc thành mà thờ là thần, đặt hiệu là Trấn thiên chấn vũ đế quân… Còn chùa một cột, thì cũng ở hạt Vĩnh thuận, làng Thanh bửu, ở giữa cái hồ vuông, có trụ đá cao trót trượng, yên viên chừng 9 thước, trên đầu có cái miếu ngói chồng lên, như cái hoa sen ở dưới nước ngóc lên. Sử chép rằng: Thuở xưa vua Lý Thái Tông nằm chiêm bao thấy Phật Quan âm ngồi tòa sen dắc vua lên đài. Tỉnh dậy học lại với quần thần, sợ điềm có xấu có hệ chi chăng. Thì thầy chùa thầy sãi tâu xin lập ra cái chùa thể ấy, đặng cho các thầy tụng kinh mà cầu điện thọ cho nhà vua, thì vua cho và dạy lập ra. Qua dời vua Lý nhân tông sửa lại, bồi bổ, lập tháp, đào ao, xây thành, làm cầu, tế tự, hể tháng tư mồng 8 vua ngự ra đó kỳ yên …”. (Voyage au Tonking en 1876, Chuyến đi ra Bắc Kỳ, tr. 7-9) Những chương cuối dành cho Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.  Phần cuối này, như kiểu ống kính vạn hoa, quá nhanh và luôn dừng lại ở bên ngoài. Nhưng sẽ là bất công nếu không nhắc đến một số đoạn chính xác hơn hay mới hơn, như về nhà thờ Phát Diệm hay các hang động ở Ninh Bình. Nhưng ở chỗ nào lối kể cũng lanh lẹ, vui tươi, chen giai thoại, được soi sáng bằng những liên hệ sáng tạo, và ta rời bức tranh với cảm giác một cuộc trò chuyện về địa lý đáng yêu.

[20] Một trong những đồng nghiệp của chúng tôi thuộc Hội Giáo dục Tương tế mới đây đã cho chúng tôi biết trong chuyến du hành ra Bắc Kỳ, năm 1876,  Pétrus Ký đã tiến hành những nghiên cứu về quân đội An Nam và nghệ thuật quân sự ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ vào thời Lê. Công trình điều tra ấy chia làm bốn phần. Phần thứ nhất nói về những việc chuẩn bị cho chiến tranh của người Bắc Kỳ và người Nam Kỳ, phần thứ hai nói về chiến thuật  bộ binh An Nam, phần thứ ba về chiến lược, phần thứ tư về kỵ binh và sử dụng voi cho đến khi có cuộc can thiệp của Pháp. Chúng tôi xin dẫn lại đây một phần những câu hỏi của Pétrus Ký, đúng như đồng nghiệp ở Hội Giáo dục Tương tế đã thông tin cho chúng tôi: “Kết cấu liên tiếp của kỵ binh ở Bắc Kỳ như thế nào; tỷ lệ giữa số kỵ binh và bộ binh là bao nhiêu; vị trí của kỵ binh trong trận đánh ở thời Lê là thế nào;  trong những trường hợp nào thì nó một vai trò quan trọng và một sổ chưởng cơ nổi tiếng đã biết sử dụng nó ra sao;  tóm lại nó có phải là một thứ mũi phóng sống để lao sâu vào hàng ngũ địch hay một phương tiện thông tin, truy kích hay bảo vệ cho bộ binh và dân công, như nó ngày càng chuyển hướng hiện nay ở châu Âu, đấy là những câu Trương Vĩnh Ký đã hỏi ông nội tôi, ông tôi đã cung cấp những đóng góp bổ ích, tiếc thay đã bị tiêu hủy trong cuộc đánh chiếm thành Hà Nội, năm 1882. Nhà bác học thích kể cho ông tôi câu nói nổi tiếng của Napoléon III: “Lịch sử của các dan tộc phần lớn là lịch sử các quân đội”. X. trên, tr. 47.

[21] Trong một bức thư mà chúng tôi được một trong những đồng nghiệp ở Hội Giáo dục Tương tế cho biết, Pétrus Ký nói: Khoa học có thể  xem xét hoạt động ngôn ngữ dưới ba phương diện khác nhau: xét trong chính nó hoạt động ngôn ngữ là một công trình của con người, một sản phẩm nghệ thuật; đối với cá nhân, nó là hình thức bao bọc một cách tất yếu mọi thể hiện ý thức;  cuối cùng, với giống loài, nó là sự biểu hiện ra bên ngoài của ý thức đó. Với ba phương diện đó, nó thuộc tương ứng về mỹ học, triết học, ngữ văn học. Tôi muốn mời các vị vào một nghiên cứu chuyên về mỹ học … Ở tất cả các cung bậc của hoạt động ngôn ngữ ta thấy cùng những cách thức ấy được tái hiện, có ý thức nhiều hay ít hơn, it nhiều giống nhau. Những hình thái tu từ chúng ta quen thuộc, thoạt tiên là một cách biểu hiện thô thiển của tư duy, rồi là một sáng tạo của một nghệ thuật cao hơn. Trong một số cái này, phép ẩn dụ dấu mình đi, và cần tất cả khoa học của nhà từ nguyên học để khám phá ra nó; đấy là những đồng tiền đã cũ mòn đến nổi không cònn phân biệt được dấu in, nhưng được biết và được chấp nhận dễ dàng trong trao đổi. Những cái khác giống như những đồng tiền mới và được dập với số ít, là niềm tự hào của các bảo tàng và các văn phòng của những người chơi tiền …  Vấn đề đầu tiên đặt ra trong việc dạy tiếng Pháp là dùng phương pháp nào; với tôi, và chắc chắn bạn sẽ đồng ý với cách nhìn của tôi, phương pháp đó không nên là thuần túy khoa học, cũng không thuần túy thực hành;  phải là vừa lý thuyết mà cũng không kém thực hành; người học tiếng Pháp phải hiểu biết không chỉ ngôn ngữ, mà cả văn học Pháp trong các thời kỳ phát triển khác nhau của nó, trong thời hiện đại cũng như thời xưa. Học một ngôn ngữ hiện đại đòi hỏi không ít thời gian cũng không ít  chăm chút hơn là học một ngôn ngữ cổ; chỉ đến khi chân lý đó được đưa ra thực hành thì mới có thể nói đến một nền giáo dục tiếng Pháp chân chính trong các trường của chúng ta.”