Diễn văn bế mạc lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2010
Nhà văn Nguyên Ngọc
Đúng hẹn, hôm nay, ngày 24-3, ngày giỗ của nhà cách mạng và nhà văn hóa vĩ đại Phan Châu Trinh mà Quỹ chúng ta được vinh dự mang tên, chúng ta lại gặp nhau trong sự kiện văn hóa trang trọng và đầm ấm này.
Trong không khí đầm ấm đó, xin cho phép tôi thay mặt Hội đồng Khoa học, cũng đồng thời là Hội đồng Giải thưởng của Quỹ, được tâm sự cùng quý vị và các bạn về đôi điều Hội đồng chúng tôi đã gặp trong khi làm giải thưởng năm nay.
Trước hết tôi xin nói về một người vắng mặt, dịch giả Lê Anh Minh, một trong hai người nhận giải thưởng về dịch thuật năm nay. Người đề cử anh Lê Anh Minh là nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, người đã nhận giải thưởng dịch thuật đầu tiên của quỹ chúng ta hai năm trước vì công trình chuyển ngữ đặc sắc toàn bộ tác phẩm đồ sộ của Kant. Cách đây mấy năm Bùi Văn Nam Sơn đã đọc được bản dịch bộ “Trung Quốc triết học sử” của Phùng Hữu Lan, là bộ lịch sử triết học Trung Quốc lớn nhất, cơ bản và toàn diện nhất từ trước đến nay, được viết từ những năm 1931-1934. Bộ sách lớn này cho tới tận ngày nay mới chỉ có một bản dịch toàn bộ duy nhất sang tiếng Anh của Derk Bodde, là người đã quyết tìm sang tận Trung Quốc để được trực tiếp thụ giáo nhà triết học và lịch sử triết học hàng đầu của Trung Quốc trong thời hiện đại là Phùng Hữu Lan. Derk Bodde đã dịch tác phẩm này trong gần 20 năm. Còn tất cả những bản khác đều là lược dịch, tóm tắt, hoặc những bản giới thiệu. 70 năm sau, một người Việt Nam đã cho ra đời bản dịch tác phẩm của Phùng Hữu Lan, và đó là bản dịch toàn vẹn thứ hai có được cho đến nay trên toàn thế giới. Người đó là Lê Anh Minh. Phải nói thêm bản dịch của Lê Anh Minh còn hoàn chỉnh hơn cả bản của Derk Bodde, vừa căn cứ trên nguyên bản chữ Hán vừa đối chiếu tham khảo bản tiếng Anh, chỉ rõ sự phát triển, bổ sung của tác phẩm qua từng thời kỳ, đặc biệt còn có phần chú giải rất công phu, tỉ mỉ, chặt chẽ, uyên bác, thậm chí chừng nào đó cũng có thể coi như một tác phẩm độc lập …
Vậy mà con người đã làm công việc thật sự lạ lùng đó là một con người gần như hoàn toàn ẩn danh, ở Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi lần mãi mới tìm ra được số điện thoại, và mãi đến ngày 19-3 cách đây một tuần, trong buổi công bố Giải thưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên Hội đồng Khoa học chúng tôi, kể cả anh Bùi Văn Nam Sơn là người đề cử Lê Anh Minh, mới lần đầu tiên được gặp mặt anh. Đấy là một con người nhỏ nhắn, hiền lành, ít nói, lẫn khuất, khiêm nhường, dấu kín sự uyên bác của mình sau một chân dung chất phác, dung dị và chân thành. Chúng tôi tha thiết mời anh ra Hà Nội để có mặt trong buổi lễ của chúng ta hôm nay nhưng anh từ chối vì phải chăm mẹ già đang ốm nặng. Có một người bạn đã tình nguyện đến trông nom bà cụ để anh có thể vắng nhà chỉ từ chiều 23 đến chiều 24-3 và xin đảm bảo mọi chi phí cho chuyến đi, nhưng anh đã gửi đến chúng ta lời xin lỗi qua một bức thư mà chúng tôi xin đọc một đoạn ngắn sau đây: “…Suốt 14 năm qua tôi đã nghỉ dạy học nuôi cha bị bệnh nhũn não, gần đây ba tôi phải liệt giường và đã qua đời cách đây hơn 3 tháng. Còn mẹ tôi thì hơn 10 năm qua bị bệnh huyết áp và tiểu đường nặng, tôi rất lo lắng. Nhà chỉ có 2 mẹ con, thành ra việc chăm sóc và thuốc men cho mẹ tôi đã quen, không an tâm giao cho ai khác. Hoàn cảnh tôi neo đơn và khó khăn, kính mong quý vị thứ lỗi…”.
Tôi nghĩ một thành công của giải chúng ta năm nay là đã tìm ra được một Lê Anh Minh. Và qua câu chuyện của anh, phải chăng một trong những mong ước của giải chúng ta là mỗi năm lại có được những phát hiện như vậy, đem lại cho đời những cống hiến xứng đáng bị che lấp hay bỏ quên?
Chắc cũng không phải ngẫu nhiên mà ở giải dịch thuật thứ hai được trao năm nay cho nhà Nga học xuất sắc Phạm Vĩnh Cư cũng có một câu chuyện bị lãng quên tương tự. Gần nửa thế kỷ nay, Phạm Vĩnh Cư đã lặng lẽ và kiên trì làm một công việc thật sự to lớn: đem đến cho người đọc Việt Nam những tác phẩm quan trọng nhất của hai nhà tư tưởng lớn nhất của nước Nga trong thời kỳ cận đại và hiện đại, vì nhiều lý do khác nhau từng bị lãng quên, bị gạt sang bên lề, thậm chí bị vùi dập trên chính quê hương của họ. Cách đây gần 30 năm, đó là nhà tư tưởng, nhà mỹ học và lý luận văn học đặc sắc M. Bakhtin, và gần đây là V. Soloviov, nhà triết học Nga, mà khi được phát hiện lại sau cải tổ đã được dư luận ở Nga coi là người đã chứng minh lời tiên tri của Lomonossov: “Nước Nga cũng có Plato của mình”.
Có những tri thức mênh mông và những minh triết sâu thẳm trong tác phẩm của Soloviov mà Phạm Vĩnh Cư với một vốn hiểu biết uyên thâm và một tình yêu sâu thẳm không chỉ đối với tiếng Nga mà còn cả đối với nền văn hóa Nga vĩ đại, cọng với một nghệ thuật dịch thuật vừa nghiêm túc vừa tài hoa, đã đem lại cho chúng ta qua lao động đáng kính nể của anh. Chắc hẳn không hề là tình cờ khi Phạm Vĩnh Cư đã chọn chính Soloviov để công phu chuyển ngữ trong hằng chục năm trời: Nhà triết học Nga đã qua đời hơn trăm năm trước ấy lại hiện đại và gần gũi với chúng ta một cách kỳ lạ, khi ngày nay, trên toàn thế giới, và cả cụ thể sát sườn ở ngay trong xã hội ta nữa, chúng ta chạm mặt với những vấn đề nỏng bỏng vừa có tính chất triết học sâu xa và trường tồn vừa cụ thể bức thiết hằng ngày, giữa cá nhân và dân tộc, dân tộc và hội nhập, bản sắc và phổ quát, truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây, khoa học và tôn giáo, những vấn đề về ý nghĩa của sự sống và cuộc đời, về quá khứ, hiện tại và tương lai, về sự tồn tại của loài người và từng con người… Lạ thay là tiếng nói cập nhật đến thế của một nhà tư tưởng từng bị cố tình lãng quên hằng thế kỷ. Xin cảm ơn anh Phạm Vĩnh Cư đã làm sống lại thật sinh động một con người vĩ đại như thế trong đời sống của chúng ta…
Năm nay, chúng ta có thêm giải thưởng về Giáo dục. Quả thật đây là một sự chậm trễ, những người làm giải thưởng chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này. Như ai cũng biết, những vấn đề giáo dục là thuộc số những vấn đề bức xúc nhất của xã hội chúng ta hiện nay. Năm nay Giải thưởng Giáo dục được trao cho một con người chủ trương một nền giáo dục khác, với một triết lý giáo dục khác, mà anh kiên định tin tưởng, và quyết cống hiến cả cuộc đời mình để chỉ làm mỗi một việc ấy, vượt qua tất cả mọi trở lực, kể cả, lạ thay là sự trùng hợp này, trở lực của sự bị gạt sang bên lề. Đấy là nền giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, vì hạnh phúc của trẻ em làm lý tưởng, một ngày đi học là một ngày vui, một nền giáo dục vì con người tự do và độc lập, một nền giáo dục cho 100% dân số của đất nước này – và để làm được như vậy đương nhiên phải thiết kế cái mà anh gọi là một công nghệ giáo dục thật sự khoa học và tân tiến.
Một giải thưởng được trao, chúng tôi nghĩ đương nhiên là nhằm tôn vinh những cống hiến xứng đáng; song một giải thưởng được trao cũng là, phải là biểu hiện sự ủng hộ rõ rệt của tổ chức trao giải đối với những ý tưởng mà tổ chức ấy mong muốn góp phần cho thắng lợi của nó trong cuộc sống, vì lợi ích của nhân dân và xã hội. Cũng đương nhiên những vấn đề lớn và sâu như vấn đề triết lý giáo dục – mà quả thật đang là chỗ thiếu và yếu nhất của nền giáo dục chúng ta hiện nay – là những vấn đề tinh tế và phức tạp, tổ chức triển khai nó trong thực tiễn xã hội bằng những “công nghệ” cụ thể lại càng khó khăn và đòi hỏi những thử thách lâu dài, những ý kiến còn khác nhau, bàn luận, tranh luận về những vấn đề ấy là tất yếu và cần thiết. Nhân việc này, chúng tôi cũng muốn nói rõ một lần rằng giải thưởng của chúng ta là một giải thưởng có khuynh hướng, và chịu trách nhiệm về phương hướng đó, nhất là trong những vấn đề trọng đại như vấn đề giáo dục.
Năm ngoái, giải thưởng Nghiên cứu đã được trao cho học giả lão thành Nguyễn Đình Đầu, người đã tận tụy suốt đời, qua địa bạ và bản đồ, chăm chú soi rõ và giải mã từng tấc đất của Tổ quốc. Năm nay chúng ta rất vui mừng chào đón một nhà nghiên cứu trẻ người Chăm, anh Inrasara, người đã tìm một con đường riêng chưa được khai phá bao nhiêu ngoài những con đường thường được tập trung để tìm về văn hóa Chăm là khảo sát các di tích kiến trúc nổi tiếng và các bi ký kỳ thực không còn lại được nhiều. Suốt mấy chục năm nay Inrasara công phu và kiên trì xoi một lối đi khác: anh tìm về văn hóa Chăm qua văn học dân gian truyền miệng và cả văn học viết Champa, từ cổ đến cận đại và hiện đại, và đến nay đã phơi lộ được một kho tàng khổng lồ hết sức quý. Kho tàng ấy lại được soi rọi trong phân tích và giải mã dưới ánh sáng của những lý thuyết hiện đại và cả hậu hiện đại mà anh luôn tự trang bị cập nhật cho mình. Chúng tôi nghĩ những đóng góp của Inrasara là to lớn, dù anh vẫn khiêm tốn coi chỉ mới là những bước đầu. Đóng góp đó đã giúp chúng ta hiểu thêm về một nền văn hóa từng rực rỡ, không chỉ ngày nay là một bộ phận khắng khít của nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, mà trong suốt lịch sử đã ảnh hưởng rất sâu sắc lên chính văn hóa Việt.
Cuối cùng chắc chắn không thể không nói đến học giả nổi tiếng Georges Condominas, người nhận giải thưởng Việt Nam học năm nay. Georges Condominas là một nhà dân tộc học tầm cỡ thế giới, là bậc thầy của nhiều thế hệ các nhà dân tộc khắp năm châu, nhưng như ông từng tâm sự nhiều lần, ngọn nguồn đầu tiên và cảm hứng sâu xa, mạnh mẽ, bền bĩ nhất chi phối sự nghiệp rộng lớn của ông là Việt Nam, là Tây Nguyên, vùng đất như chúng ta ngày càng hiểu rõ là xiết bao ruột thịt của chúng ta, nơi Condominas nói rằng ông suốt đời chịu ơn, nơi đối với ông không chỉ là một thực địa nghiên cứu quyết định, mà còn là nơi ông “học làm người”. Có thể nói Georges Condominas giúp chúng ta tự hiểu thêm chính chúng ta, và đặc biệt hiểu thêm Tây Nguyên, nền văn hóa Tây Nguyên vô cùng sâu sắc và mãi mãi còn phải khám phá của chúng ta.
Thưa,
Dù đã có lần nói rồi, nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải nói lại lần nữa: giá trị và uy tín của một giải thưởng trước hết là do từ giá trị và uy tín của những người nhận giải thưởng và các công trình đặc sắc của họ, tài năng và nhân cách của họ thể hiện qua chính những công trình ấy. Vì vậy chúng tôi muốn nói lời cảm ơn trước hết đến các học giả nhận giải năm nay đã làm vinh dự và nâng cao hơn nữa uy tín của giải chúng ta.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc Bà Chủ tịch Nguyễn Thị Bình đã chỉ đạo chúng tôi rất sát sao và sáng suốt trong quá trình làm giải, đặc biệt đã tỏ rõ tầm trí tuệ và tấm lòng rộng lớn khi xem xét các giải thưởng được trình.
Xin cảm ơn các chuyên gia phản biện đã giúp chúng tôi nhiều ý kiến quý báu trong đánh giá các giải thưởng.
Xin cảm ơn các nhà tài trợ đã tận tình giúp những điều kiện thuận lợi cho tổ chức của chúng ta có thể hoạt động có kết quả.
Xin cảm ơn các nhà báo, các cơ quan thông tin đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong sự nghiệp chung này.
Xin cảm ơn các vị khách quý và tất cả các vị, các bạn đã nhiệt tình đến với chúng tôi, với chúng ta trong buổi lễ long trọng và đầm ấm này.
Xin cảm ơn tất cả, và xin hẹn gặp lại sang năm, cũng đúng vào ngày này, 24-3, ngày giỗ của vị tiền bối anh minh mà tư tưởng vẫn còn soi sáng cho chúng ta đến ngày hôm nay.