Cảm tưởng của cụ Sào Nam đối với cụ Tây Hồ
Trong đời này, không có ông Mạnh Tử thì cái nghĩa “Dân quí” không sáng tỏ ra. Nếu không có ông Lư Thoa thì cây cờ “dân quyền” ai dựng lên được?
Nước ta mấy nghìn năm nay, quyền vua ngang dọc, quyền quan cũng theo đó mà tăng lên, tôn nhất không ai bằng một người, hèn nhất không ai bằng trăm họ. Cái giá trị người mình chỉ xem nơi tờ giấy vàng, giấy trắng mà định cao hạ. Việc đáng buồn, đáng thương cho thế đạo còn có gì hơn cái ấy nữa!
Ông Phan Hi Mã ta ra đời, nghiên cứu học thuật ông Lư Thoa, phát minh ra lời ông Mạnh Tử, đem hai chữ dân quyền hò hét trong nước như một tiếng sấm vang làm cho bao nhiêu giấc mơ phải tỉnh dậy, mà dân ta từ nay dần dần mới biết mình có quyền,quyền dân cao hơn thì quyền vua sụt xuống, đằng này lấp thì đằng kia mới chảy đi, chỗ này ngừng thì chỗ kia mới đi tới. Sự thực vẫn như thế không thể nào giấu được. Chạm phải vảy rồng, với lấy móng cọp, thế nào mà khỏi bị? Ông Hi Mã mà còn bị bọn tiểu nhân vũ hãm cho đến tù tội cũng phải lắm chớ!
Tuy thế, mặc lòng sức đè xuống càng mạnh bao nhiêu, thì sức chồng lên càng mạnh bấy nhiêu: nào giam, nào đày, nào chết đều là những sự giùm giúp cho cái chủ nghĩa ông mà thôi, cho bùng cái ngọn lửa ấy đó thôi.
Nay ông đã qua đời rồi, mà cái chủ nghĩa ông ngày càng sáng chói. Hết cả đồng bào trong nước từ đứa trẻ con cũng cúng lạy ông, khấn vái ông. Vậy là cái nghĩa “Dân quyền” dạy bảo con người đã in sâu vào trong óc rồi đó!
Tôi cùng ông ngày xưa vốn là bạn đồng tâm. Từ khi chia tay nhau ở Hương Cảng, tuy trời bể xa khơi mà hồn mơ quanh quẩn, hơi tiếng thông nhau hơn hai chục năm nào cũng thế. Tôi còn nhớ khi ông sang Nhật tìm tôi, gặp nhau ở nhà Bính Ngọ hiên tại Hoành Tân, ông bảo tôi rằng: “Cả nước ngủ mê, tiếng thở như sấm, mà bác đứng ngoài muôn dặm kêu gào hò hét có được công hiệu là bao nhiêu, tất phải có người ở trong gõ trán xách tai người ta mà đánh thức dậy, thì họa chăng lòng người mới không đến nỗi chết hết. Nay tôi về trong nước đóng vai Mã Chí Nê. Còn bác ở ngoài làm Gia Lý Ba Đích, chia ra làm hai đường mà đều đi tới, chúng ta lấy cái chết thề cùng nhau cho có thủy có chung”. Ông nói xong, tôi kính cẩn vâng lời.
Than ôi! Ông có thứ cho tôi chăng? Lúc ông về nước, tôi tiễn chân ông đến Hương Cảng, ông cầm tay tôi dặn mấy lời sau hết: “Từ đầu thế kỷ XIX về sau, các nước tranh nhau ngày càng dữ dội, cái tính mạng một nước, gửi trong tay một số người đông, chớ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà nay bác lại dựng cờ quân chủ hay sao?” Ông nói thế lúc bấy giờ tôi chưa có câu gì đáp lại, nay đã suy nghĩ, cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông! Phỏng ngày nay ông còn sống thì người cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được.
Than ôi! Ngày nay những kẻ cúng vái ông, kính mến ông, có phải chỉ ngắm tượng ông, đọc văn ông, góp nhặt năm ba câu làm bộ ái quốc ái quần đầu miệng mà thôi ư! Phải biết rằng ông Hi Mã cũng cần phải có thiệt chủ nghĩa, thiệt tinh thần, mới gọi là biết bắt chước ông Hi Mã vậy.
Năm Bính Dần, tháng 3 (1927)
Phan Bội Châu
(Báo Tân Dân ngày 24-03-1949, Hà Nội)
Chú thích:
- Sào Nam: Hiệu của Phan Bội Châu
- Tây Hồ: Hiệu của Phan Châu Trinh
- Lư Thoa: Jean-Jacques Rousseau, nhà bác học người Pháp
- Phan Hi Mã: Phan Châu Trinh biệt hiệu là Hi Mã.
- Hương Cảng: Hồng Kông
- Mã Chí Nê: Mazzini, nhà yêu nước người Ý
- Mã Lý Gia Đích: Garibaldi, nhà cách mạng người Ý.