Diễn văn bế mạc lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2014
Nhà văn Nguyên Ngọc
Kinh thưa Bà Chủ tịch Nguyễn Thị Bình,
Kính thưa quý vị đại biểu,
Thưa các bạn
Như đã hẹn, 24 tháng Ba, đúng ngày giỗ của vị tiền bối anh minh mà Quỹ chúng ta vinh dự mang tên, chúng ta lại vui mừng gặp nhau ở đây để tôn vinh và chúc mừng các vị tân khoa của một giải thưởng mà tôi nghĩ với tất cả lòng khiêm tốn chúng ta có thể tin tưởng nói rằng đến nay đã trở thành một sự kiện xã hội hằng năm được nóng lòng mong đợi.
Lần này có bốn giải thưởng được trao cho năm vị tân khoa. Bốn giải mà có năm người nhận, vì có một giải trao chung cho hai người, và điều đó chắc không hoàn toàn ngẫu nhiên. Bởi công trình của anh chị Lưu Nhất Vũ – Lê Giang mà hôm nay Quỹ chúng ta được hân hạnh vinh danh, công trình đồ sộ sưu tầm, nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, lý giải và truyền bá văn hóa dân gian Nam Bộ quả thật đòi hỏi công sức không thể chỉ của một người. Hai anh chị, một nhạc sĩ tài năng và một nhà thơ tâm huyết, cả hai đều gắn bó sâu sắc đến tận máu thịt với vùng đất và người hết sức độc đáo này, đã họp thành một cặp đôi tuyệt vời để cùng nhau giành hơn cả nửa cuộc đời suốt gần bốn mươi năm lặn lội nhặt từng hạt vàng rơi, chăm chút, tận tụy tích cóp nên kho báu khổng lồ cho chúng ta hôm nay và cho con cháu mai sau. Xin cám ơn anh chị Lưu Nhất Vũ – Lê Giang, xin chúc anh chị chân cứng đá mềm để tiếp tục đi trên con đường đẹp đẽ mà chúng tôi biết anh chị còn chưa muốn dừng chân.
Ở một phía vừa gần như đối cực mà theo một cách nào đó lại vừa là song song, giải thưởng dịch thuật năm nay được trao cho một chuyên gia Hán Nôm hàng đầu, Phó Giáo sư Ngô Đức Thọ, người với công trình “Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại” đã được coi là đã đặt nền móng cho ngành Húy kỵ học Việt Nam; và tiếp liền sau đó lại là tác giả của chuyên khảo “Cơ sở văn bản học Hán Nôm”, với tác phẩm này lại được coi là người đặt nền móng cho khoa Văn bản học Hán Nôm, một bộ phận hết sức quan trọng, có tính chất nền tảng của toàn bộ khoa học Hán Nôm. Chỉ xin nói, chẳng hạn về ý nghĩa của một trong hai tác phẩm này. Nghiên cứu chữ húy qua các triều đại không chỉ là chuyện chữ nghĩa ở thời này hay thời khác; qua chữ húy của mỗi thời còn thể nhận ra đặc điểm diện mạo của từng thời, không khí xã hội, quan hệ người với người, khuôn mặt và tâm thế con người, thậm chí cả tính chất chế độ chính trị và xã hội, cả đời sống văn hóa đặc biệt của từng thời ấy … Cho nên một ngành học thoạt trông có vẻ khô khan như vậy kỳ thật lại đầy chất nhân văn trong chiều sâu của nó …
Trên một nền tảng tri thức uyên thâm như vậy, Ngô Đức Thọ còn là chủ nhân của một loạt công trình dịch thuật rất quan trọng, trong đó có bộ sách lớn Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch toàn bộ Văn bia Văn miếu Quốc tử giám, các sách Thiền Uyển tập anh, sách Nam triều công nghiệp diễn chí, Đồng Khánh dư địa chí, Hoàng Việt hưng long chí… Ông cũng đứng chủ biên các công trình tra cứu quan trọng như Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Từ điển di tích văn hóa Việt Nam…
Xin cám ơn phó Giáo sư Ngô Đức Thọ vì những đóng góp thật sự to lớn và sâu sắc của ông.
Thưa quý vị và các bạn,
Năm 1995 Giáo sư Phan Huy Lê đã viết như sau trong bài “Tính khách quan, trung thực của khoa học lịch sử”:
“… Trước đây, do những hạn chế của sử học và có khi do những điều kiện chính trị phức tạp trong hoàn cảnh chiến tranh, một số vấn đề lịch sử phải tạm gác lại hoặc nhân thức chưa được toàn diện, chưa được xác đáng … Đã đến lúc những cách nhìn phiến diện, những nhận thức và đánh giá thiếu khách quan trong nghiên cứu lịch sử cần phải được thay đổi …” Sự tự nhận thức lại và tự phê phán không chỉ của nhà sử học Phan Huy Lê, mà chừng nào đó là của cả giới sử học trong một thời kỳ dài ở một nửa đất nước, là thật đáng quý. Tuy nhiên có lẽ có điều cần nghĩ lại, nghĩ thêm khi ý kiến đó khẳng định nguyên nhân của những vấn đề lịch sử bị “tạm gác lại”, của tình trạng phiến diện và thiếu khách quan trong nghiên cứu lịch sử một thời (và có thể còn kéo dài chưa thật xong) là do những điều kiện chính trị phức tạp trong hoàn cảnh chiến tranh. Bởi vì, trước đó những 35 năm so với bài viết của Phan Huy Lê, vào năm 1960, một tác giả khác, nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường mà hôm nay tổ chức văn hóa của chúng ta vinh danh trong hạng mục Giải thưởng nghiên cứu, đã công bố một tác phẩm dù mới đầu tay đã thật đặc sắc của ông, viết về chính một vấn đề lịch sự “bị tạm gác lại” như vậy, cuốn sách nổi tiếng Lịch sử nội chiến Việt Nam từ năm 1771 đến năm 1882. Cuốn sách ấy nói về một mặt khác cũng rất quan trọng trong lịch sử dân tộc, bên cạnh mặt chống ngoại xâm trường kỳ và anh hùng, mặt nội chiến. Và phân tích một trong những cuộc nội chiến quan trọng và phức tạp của lịch sử nước ta, trên cơ sở những tài liệu công phu và khách quan, với một cái nhìn bình tĩnh và thật sự khoa học …, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn, tỉnh táo hơn, chân thật và sâu sắc hơn dân tộc mình, đất nước mình, và chính mình nữa. Bởi vì mỗi chúng ta đều là con đẻ của chính một lịch sử có nhiều mặt đa dạng và phức tạp như vậy. Hiểu mình để mà có thể đi tới, hôm qua, hôm nay, và ngày mai.
Sau Lịch sử nội chiến, Tạ Chí Đại Trường còn viết tiếp một loạt tác phẩm nữa, rất đa dạng và có thể nói cuốn nào cũng có nét đặc sắc riêng, được nhắc đến nhiều nhất là cuốn Thần, Người và Đất Việt, trong đó tác giả bộc lộ sự tỉnh táo đến sắc sảo của mình trong khi lý giải mối quan hệ giữa thần tích và lịch sử. Rất tinh tế và thâm thúy, ông viết: “Người ta đã đi từ sự quá đà coi thần tích như là hiện thân toàn vẹn của lịch sử, đến sự quá đà khác là bác bỏ hoàn toàn hay là ít ra đi đến hoài nghi sâu đậm. Thần tích xuất hiện qua những giai đoạn khác nhau phản ánh tâm tư của con người thời đại, níu kéo trên bước chân của mình những sự kiện xảy ra trong thời gian đó; nói cách khác, một chuỗi thần tích nối tiếp nhau về một nhân vật, nếu được đặt kề nhau, sẽ làm nổi lên dấu vết lịch sử cấu thành hình ảnh nhân vật đó”. Có lẽ đó là cách hiểu, cách nói đúng nhất chẳng hạn về Hùng Vương, nhân vật vừa chập chờn vừa hiển hiện trong tâm tưởng và trong đời sống của chúng ta. Ở đây, có thể thấy một nét đặc sắc khác nữa trong tài năng của Tạ Chí Đại Trường: ông là một nhà văn viết sử.
Các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường thường rất độc đáo và mới mẻ, đầy những phát hiện bất ngờ, nên cũng thường gây tranh cãi, thậm chí nhiều cuộc đến nay chưa xong. Ông là một nhà nghiên cứu lịch sử có tư duy rất độc lập và tự do, như chính ông tuyên bố trong diễn từ gửi lễ trao giải này mà rất tiếc vì thời gian hạn chế chúng tôi không công bố được nguyên văn. Ông không chịu sự ràng buộc của bất cứ vòng kim cô của một ý thức hệ nào. Trao giải thưởng về nghiên cứu cho ông năm nay, tổ chức văn hóa của chúng ta muốn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với tư duy lịch sử đúng đắn và cần thiết đó.
Thưa quý vị,
Thưa ông Thomas Vallely quý mến,
Chắc quý vị và ông Thomas Valeley quý mến đều nhận ra là tôi đã cố ý nhắc đến ông Thomas, Tomny thân thiết của chúng tôi, của chúng ta ở vị trí cuối cùng trong diễn từ này. Ấy là kỹ thuật gây ấn tượng đậm vào phút cuối của người viết và đọc diễn từ. Bởi vì việc Thomas Valeley xuất hiện trên danh sách các vị tân khoa đêm nay quả là một ấn tượng rất đậm của giải văn hóa Phan Châu Trinh năm 2014. Tôi sẽ không nhắc lại những gì thật sự to lớn, quan trọng và sâu sắc Thomas đã làm cho Việt Nam từ sau chiến tranh. Tôi chỉ muốn nói rằng quả thật chúng tôi, chúng ta rất ngạc nhiên, chắc sẽ còn ngạc nhiên lắm lắm nữa, làm sao mà Thomas hiểu Việt Nam đến thế, cặn kẽ và sâu sắc đến thế, thấu đáo và cơ bản đến thế, để kiên định suốt gần ba mươi năm nay không mệt mõi đem đến cho Việt Nam đúng hai điều Việt Nam cần nhất để thực sự phục hồi, phục hưng, phát triển và hội nhập được với thế giới ngày nay. Hai điều quan trọng và cơ bản nhất: một cuộc cải cách kinh tế theo hướng thị trường đích thực, và một công cuộc cải cách giáo dục thực sự triệt để và căn bản. Tất cả những gì ông làm trong suốt gần ba mươi năm nay, dù ở tầm chiến lược lâu dài, vĩ mô, hay là công việc vi mô, cụ thể, thiết thực, hàng ngày đều là ráo riết tâp trung vào hai mục tiêu đó. Những việc làm của ông cho Việt Nam không chỉ mang lại cho chúng tôi những kết quả to lớn và cụ thể. Có lẽ còn quan trọng hơn nhiều, nó định hướng cho tư duy và hành động của chúng tôi … Chúng tôi, chúng ta cũng ngạc nhiên vì sao Thomas hiểu Phan Châu Trinh, nhà tư tưởng và nhà văn hóa lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX và còn hoàn toàn hiện đại với Việt Nam hôm nay đến thế, để, xin phép Thomas cho tôi được tiết lộ, chúng tôi được biết từ trước đến nay ông chưa hề nhận bất cứ một giải thưởng của bất cứ cơ quan hay tổ chức nào của cả Việt Nam hay Hoa Kỳ, nhưng dến giải thưởng này của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thì ông vui lòng nhận. Trong hành động này của ông, chúng tôi nhận ra sự đồng cảm sâu xa của ông với tổ chức văn hóa của chúng ta theo tư tưởng lớn của vị tiền bối mà chúng ta mong muốn nối tiếp sự nghiệp còn dở dang từ môt thế kỷ trước.
Xin cám ơn Tomny vì tất cả.
Xin cám ơn vì đã có mặt đêm nay ở đây, xin cám ơn vì đã đến với đại gia đình Phan Châu Trinh của chúng tôi, của chúng ta.
Thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Thưa các vị tân khoa của giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2014,
Đã nói nhiều lần rồi, anh Chu Hảo cũng đã nói trong diễn văn khai mạc, nhưng tôi vẫn muón xin phép được nói lần nữa: Nếu đến hôm nay Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh đã trở thành một giải thưởng có uy tín và được tin cậy trong xã hội, thì trước hết ấy là do từ giá trị và uy tín của những người đã nhận giải, giá trị và uy tín của các công trình và sự nghiệp của quý vị. Thay mặt Hội đồng Quản lý và Hội đồng Khoa học cùa Quỹ, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành.
Nhân dịp này, tôi cũng xin được phép thông báo bắt đầu từ năm sau 2015, hệ thống giải thưởng của chúng ta sẽ có thêm một giải thưởng mới có tên là Giải thương Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại nhằm tôn vinh sự nghiệp suốt đời của những nhà văn hóa lớn kể từ khoảng đầu thế kỷ XX, còn sống hay đã mất. Xin thú thật, chúng tôi đã mường tượng trong một số năm đến tổ chức văn hoá của chúng ta sẽ có thể có được vinh dự trao những giải thưởng như vậy cho những tượng đài văn hóa lớn mà chúng ta hằng ngưỡng mộ, những Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi … Chắc sẽ là niềm vui rất lớn.
Trong niềm mơ ước và hy vọng ấy xin nói lời chia tay ở đây. Xin cám ơn và xin chúc tất cả quý vị và các bạn thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
Xin hẹn gặp lại đúng ngày này năm sau.