Tình hình nước ta đầu thế kỷ XX
Chế độ phong kiến Việt Nam vào cuối triều Tự Đức đi vào con đường suy vong, bạo loạn xảy ra khắp nơi, quyền hành của triều Nguyễn bắt đầu xuống dốc. Trong khi đó các thế lực thực dân phương tây, nhất là Tây Ban Nha và Pháp đã trực tiếp dòm ngó nước ta. Ngay từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị họ đã vào đặt cơ sở thương nghiệp và đặt tín ngưỡng thành vấn đề làm cho triều đình Huế khó xử.
Các sự kiện đó kéo dài mãi đến năm 1858 khi tàu chiến Pháp Tây Ban Nha vào bắn phá cửa biển Đà Nẵng lần thứ nhất, rồi lần thứ hai cho đến khi triều đình Huế mất hẳn chủ quyền. Cũng từ đó phong trào đấu tranh nổi lên khắp nơi với tinh thần “trung quân ái quốc”. Biến cố ấy là một sự kiện không nhỏ trong lịch sử Việt Nam, từ Nam đến Bắc các sĩ phù đứng dậy hô hào quần chúng một lòng chung với nhà vua chống lại quân thù. Đến khi miền Nam thất thủ, những tấm gương nổi tiếng trong lịch sử đã lãnh đạo người dân Nam Kì đứng lên chống thực dân Pháp như Trương Định, Hồ Huấn Nghiệp, Nguyễn Đình Chiểu… Các sĩ phu Trung, Bắc cùng ý nguyện đã tập hợp dân chúng phất cờ đứng dậy giúp vua cứu nước. Các biến cố ấy đã tác động đến cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân trong nước.
Các phong trào Văn thân, Cần vương được nung nấu trong quần chúng nhân dân suốt khoảng thời gian dài gần 40 năm, làm cho giặc Pháp không một chút nào có thể thảnh thơi từ khi chúng đặt chân lên đất nước này. Nhưng cuối cùng các phong trào, các cuộc khởi nghĩa ấy đều thất bại, nhất là khi nghĩa quân thiếu thốn mọi phương tiện không thể nào địch nổi một đạo quân đánh thuê nhà nghề. Tuy nhiên mấy vạn trung thần nghĩa sĩ cùng đồng bào yêu nước gây nên một tiếng vang lớn. Do đó, hồn thiêng đất nước ngày càng ăn sâu vào tiềm thức cũng như suy nghĩ của lớp người kế thừa sự nghiệp đó.
Làn sóng u học du nhập vào nước ta ngày càng mạnh, cùng với các biến cố ở các nước láng giềng nhất là Trung Quốc đã thức tỉnh lòng tự tôn dân tộc. Trong dân chúng cũng như các sĩ phu đều ẩn giấu tư tưởng yêu nước, sự đau đớn với tình hình đất nước và người dân Việt nên tiếp thu các tư tưởng ấy rất nhiệt tình. Các học thuyết dân chủ, dân quyền cùng với các biến cố trọng đại trong và ngoài nước ảnh hưởng đến tinh thần sĩ phu không ít. Họ đã từ bỏ quan niệm trung quân mà thực hiện lòng ái quốc nhiệt thành mong cứu vãn được tiền đồ của dân tộc.